Thúc đẩy du lịch bắt đầu từ gỡ nút thắt chính sách thị thực

Sau Covid-19, việc mở cửa ngành du lịch đã và đang đặt các quốc gia vào đường đua cạnh tranh về tốc độ phục hồi và khả năng thu hút du khách trở lại. Đây cũng là lúc những loại hình thị thực thân thiện và tiên tiến phát huy vai trò.

Dễ dàng tiếp cận, thị thực thông thoáng

Theo khảo sát từ Hiệp hội du lịch Bhutan về những yếu tố khiến du khách đi du lịch trở lại sau đại dịch thì “dễ dàng tiếp cận, thị thực thông thoáng” xếp thứ 3 về mức độ quan trọng, 2 yếu tố xếp trên đều liên quan tới sức khỏe và môi trường vệ sinh. Chính sách thân thiện, linh hoạt, quy trình thủ tục đơn giản, là điều kiện quan trọng để hút du khách đến và quay lại.

Tờ Bangkok Post cũng cho biết, việc nới lỏng các hạn chế về thị thực trên toàn thế giới sẽ thúc đẩy du lịch quốc tế và góp phần gia tăng doanh thu đến 206 tỷ USD. Bởi vậy, hậu đại dịch nhiều quốc gia đã nhanh chóng “mở toang cửa” với các chính sách thị thực tiên tiến, đa dạng loại hình để “chiều lòng” và hút khách.

Đơn cử như Thái Lan - quốc gia mà ngành du lịch đóng góp đến 12% GDP là một trong những nước mở cửa sớm nhất trong khu vực. Để kéo khách quốc tế trở lại, Thái Lan đã đồng loạt đưa ra các chính sách từ kéo dài thời gian lưu trú đến 90 ngày; đẩy mạnh triển khai visa điện tử (e-visa) có thời hạn lên đến 6 tháng, lưu trú tới 90 ngày, được ra vào nhiều lần hay “nomad visa” - chính sách visa đặc biệt cho các Du mục kỹ thuật số (Digital nomads). Ngành du lịch Thái Lan đã cho thấy sự nhanh nhạy khi là một trong những quốc gia đầu tiên đưa ra chính sách thị thực cho nhóm Du mục kỹ thuật số - hiện đang bùng nổ trên toàn thế giới với hình thức cư trú dài hạn (LTR) thời hạn lên đến 10 năm. Hiện Thái Lan cũng đã miễn thị thực cho du khách đến từ 65 quốc gia trên thế giới với thời gian lưu trú lên đến 90 ngày.

Bên cạnh loại hình e-visa đang ngày càng được ưa chuộng bởi ứng dụng công nghệ hiện đại tạo sự thuận tiện; không ít chính sách thị thực đặc biệt hướng tới tinh gọn thủ tục cho du khách cũng đã được các quốc gia đưa vào áp dụng hay kích hoạt trở lại sau Covid-19, ví như trường hợp của Hàn Quốc và Đài Loan.

Loại hình miễn visa có điều kiện và e-visa Quan Hồng đã được Đài Loan giới thiệu từ thời điểm trước đại dịch. Chính sách e-visa Quan Hồng hướng đến đối tượng nhóm khách đi theo tour, đoàn qua các công ty lữ hành được chỉ định với thủ tục đơn giản, thuận tiện, không mất phí và có thể nhận visa trong “một nốt nhạc”. Trong khi, công dân của 5 nước Đông Nam Á và Ấn Độ nếu đáp ứng đủ một số điều kiện sẽ được miễn visa nhập cảnh Đài Loan với thời hạn 90 ngày, lưu trú đến 30 ngày và trong thời gian còn hiệu lực, visa có thể sử dụng nhiều lần. Thời điểm mới áp dụng, chính sách này ngay lập tức đã cho thấy hiệu quả khi lượng khách Việt Nam đến Đài Loan tăng đến 100% so với cùng kỳ; lượng khách từ Philippines và Thái Lan cũng đã tăng gấp đôi trong vòng ba năm.

Hàn Quốc cũng được xem là một trong những quốc gia nhanh nhạy với các chính sách hút khách quốc tế. Hình thức multiple visa - thị thực cho phép ra vào nhiều lần đã được nước này áp dụng từ cuối năm 2018 và nhanh chóng trở lại sau đại dịch. Loại hình visa này có thời hạn lưu trú 30 ngày và không giới hạn số lần xuất nhập cảnh trong 5 năm. Việt Nam cũng là quốc gia được hưởng lợi từ chính sách này. Bởi vậy, chỉ 3 tháng sau khi thị thực du lịch được kích hoạt, đến tháng 9/2022, lượng khách Việt Nam đến Hàn Quốc đã tăng 7 lần từ 1000 lên 7.000 lượt khách/tuần.

Có thể thấy, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan hay Singapore… đều đã thể hiện rõ quyết tâm vực dậy du lịch khi nhanh chóng giảm thiểu rào cản về thị thực cho khách quốc tế. Và Việt Nam - quốc gia đặt du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn cũng không nên nằm ngoài “cuộc đua” này.

Cần có chính sách quyết liệt

Năm 2022, Việt Nam đón 3,6 triệu lượt khách quốc tế, con số này chưa đạt mục tiêu 5 triệu khách được đặt ra từ đầu năm. Theo VisaGuide.World, Việt Nam cũng là quốc gia có tỷ lệ phục hồi ngành du lịch thấp nhất so với các nước trong khu vực với chỉ 18,1%. Con số này của Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Campuchia đều đạt từ 26 - 31%. Bàn luận về lý do khiến ngành du lịch Việt Nam chưa thể phục hồi như mong đợi, nhiều nguyên nhân đã được các chuyên gia chỉ ra, và một trong số đó là chính sách thị thực chưa đủ hấp dẫn và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “quy định về thời hạn tạm trú với khách du lịch quốc tế chưa hợp lý khi hiện tại, thời hạn tạm trú của người nước ngoài nhập cảnh với thị thực du lịch là tối đa 30 ngày. Chính sách cấp thị thực như vậy đã làm giảm tính cạnh tranh trực tiếp của du lịch Việt Nam so với các nước ASEAN.” Thực tế, với thời gian lưu trú từ 15 - 30 ngày, Việt Nam cũng thuộc top có thời gian lưu trú thấp nhất khu vực khi phần lớn các quốc gia khác đều dao động từ 30 - 90 ngày.

Bên cạnh đó, số lượng quốc gia được miễn thị thực khi đến Việt Nam khá khiêm tốn chỉ 24 nước; con số này của Singapore và Malaysia gấp gần 7 lần - 162 nước, Philippines là 157 nước và Campuchia thậm chí có phần nhỉnh hơn - 25 nước. Thời hạn của multiple visa cũng khá hạn chế với 3 tháng; trong khi Singapore đặt thời hạn là 2 năm hay Hàn Quốc lên đến là 5 năm. Đây cũng là rào cản để kéo du khách quay trở lại Việt Nam nhiều lần.

Ngoài ra, trong khi e-visa đang ngày càng lên ngôi bởi sự thuận tiện thì chính sách e-visa của Việt Nam cũng còn nhiều điểm yếu như thời hạn không quá 30 ngày, áp dụng cho công dân của 80 quốc gia qua 33 cửa khẩu theo quy định và chỉ cấp 1 lần. Chia sẻ về điểm này trên trang TrustPilot, du khách Shyamali Damboragama đến từ Canada đã bày tỏ không ít sự tiếc nuối bởi anh không thể tiếp tục hành trình khám phá Việt Nam như kế hoạch sau khi đã xuất cảnh sang nước bạn Campuchia chỉ 1 ngày.

Minh chứng cho vai trò của chính sách thị thực, một lần nữa ngành du lịch có thể nhìn sang bài học của Thái Lan. Năm 2022, Thái Lan đã đón 11,8 triệu lượt khách; vượt mục tiêu 8 triệu lượt khách. Kết quả này là trái ngọt đến từ loạt chính sách thị thực mới đã được ban hành trong “Thời kỳ phục hồi vĩ đại”. Cuối năm 2022, quốc gia này không ngần ngại kéo dài thời gian lưu trú cho khách quốc tế từ 30 ngày lên 45 ngày, từ 15 ngày lên 30 ngày… nhằm tăng chi tiêu của du khách, đặc biệt trong bối cảnh những chuyến du lịch dài ngày sau thời gian “ngủ đông” vì dịch được ưa chọn. Bên cạnh đó, nước này cũng rất “chịu khó” ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao trải nghiệm của du khách trong quá trình xin và sử dụng e-visa. Loại hình visa này cũng cho phép du khách được nhập cảnh nhiều lần vào Thái Lan khi visa còn hiệu lực.

Sau Covid-19, các nước đều ở cùng xuất phát điểm về cơ hội hồi phục du lịch; lúc này, đi trước đón đầu là những hành động cần thiết. Thái Lan đã nhanh chóng áp dụng những chính sách mới về thị thực; Singapore gần như mở tung cửa với chính sách miễn visa rộng khắp; Hàn Quốc, Nhật Bản nhanh chóng nới lỏng visa đối với khách Trung Quốc khi nước này mở cửa… Việt Nam cũng cần những phép thử như vậy về kéo dài thời gian lưu trú, về các loại hình visa mới ví như Quan Hồng của Đài Loan, hay phổ biến hơn chính sách nhập cảnh nhiều lần để du lịch có cơ hội bứt phá.

Như vậy, nếu ngành du lịch Việt Nam tỏ rõ sự thiện chí, rốt ráo và quyết liệt hơn trong chính sách hút du khách, tất yếu sẽ sớm nhận về những thành quả xứng đáng.