Người dân phải hưởng lợi sau khi bị thu hồi đất

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng quan điểm tiến bộ là sau quá trình thu hồi đất, người dân phải được hưởng lợi ích mang lại từ các dự án phát triển

Chiều 21-2, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ngăn chặn trục lợi

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong được nghe góp ý của các tổ chức thành viên mặt trận, nhà khoa học, để khi hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai thì thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng nhưng người dân nào đọc cũng hiểu.

Theo Phó Thủ tướng, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang đô thị, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đã tác động rất nhiều đến công tác thu hồi đất, hỗ trợ, đền bù, tái định cư. Do đó, nội dung này cần được giải quyết.

"Quan điểm tiến bộ hiện nay là sau quá trình thu hồi đất, người dân phải được hưởng lợi ích mang lại từ các dự án phát triển. Sau khi tái định cư, người dân có điều kiện sống tốt hơn, sinh kế tốt hơn, hưởng các quyền lợi" - Phó Thủ tướng nói và mong muốn làm rõ hơn nội dung trên.

Người dân phải hưởng lợi sau khi bị thu hồi đất - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: TTXVN

Phó Thủ tướng chỉ rõ đất đai phải theo cơ chế thị trường, tức là khi bán, khi mua, đấu thầu, đấu giá thì làm thế nào để sát với cơ chế thị trường. Vừa qua, có nhiều phương pháp định giá nhưng chưa đưa ra được một giá chính xác dẫn đến xảy ra rất nhiều bất cập, làm cho cơ quan tư vấn, cơ quan quản lý khó giải quyết.

Theo GS-TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cần rà soát kỹ hơn để nội dung của Luật Đất đai (sửa đổi) thực sự phù hợp Hiến pháp. Điều đó cũng có nghĩa phải quy định chặt chẽ nhằm bịt lỗ hổng pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách.

Ông Phan Trung Lý nhận định giá đất, khung giá đất, thời gian tính tiền sử dụng đất khi có quyết định giao đất (một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các dự án không thống nhất được số tiền sử dụng đất dẫn đến việc không nộp được tiền, không cấp được giấy, không triển khai được các thủ tục xây dựng, ách tắc việc giải ngân) dẫn đến mâu thuẫn giữa các cơ quan quản lý nhà nước với người sử dụng đất.

"Đây là vấn đề quan trọng và phức tạp nhất hiện nay. Nội dung này quy định trong dự thảo cần gia cố thêm. Cụ thể, thể hiện rõ hơn yêu cầu có cơ chế định giá đất theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm khách quan, chính xác theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 18" - ông Lý nêu rõ.

Phát huy hiệu quả sử dụng đất

Góp ý về việc sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận quyền sử dụng đất, ông Ngô Sách Thực - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng cần làm rõ nhà đầu tư được thỏa thuận với người có quyền sử dụng đất trong việc bồi thường, chuyển mục đích sử dụng đất trong dự án đô thị, nhà ở thương mại hay không?

Nghị quyết 18-NQ/TW đã nêu "thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất" thì mới khắc phục được hạn chế, bất cập lớn hiện hành. Do đó, phải kiên trì thực hiện nguyên tắc xuyên suốt này.

Theo ông Thực, thỏa thuận quyền sử dụng đất là một quyền dân sự nhưng việc thỏa thuận gắn với chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở các dự án đô thị, nhà ở thương mại là nội dung liên quan đến lợi ích chung, phải bảo đảm nguyên tắc và quản lý của nhà nước để bảo đảm tính thống nhất, công bằng, hài hòa lợi ích và mục đích phát huy hiệu quả sử dụng đất.

Thực tế, các dự án đô thị, nhà ở thương mại chỉ mình chủ đầu tư cũng không thực hiện được nếu nhà nước không làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Ở góc độ khác, GS-TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp, cho biết trong dự thảo, quyền quyết định giá đất cụ thể lại giao cho UBND cấp tỉnh và cấp huyện; thành phần hội đồng thẩm định giá đất cụ thể cũng không có đại diện của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện. Như vậy, nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu nhưng lại giao cho cơ quan hành chính nhà nước quyết định chứ không phải do Quốc hội, HĐND (cơ quan đại diện cho dân) quyết định hoặc được tham gia thành phần hội đồng thẩm định giá đất. Chính vì vậy, nên tách riêng quyền đại diện chủ sở hữu và quyền năng quản lý nhà nước, sau đó thiết kế phân quyền cho hai cơ quan tương ứng, quyền đại diện chủ sở hữu thì giao Quốc hội, HĐND; quyền quản lý hành chính nhà nước thì giao Chính phủ, UBND các cấp. Như vậy mới bảo đảm tính độc lập, khách quan và hạn chế quyền lực tập trung vào cơ quan quản lý hành chính như hiện nay.

Ông Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, cho rằng để khắc phục những hạn chế trong việc xây dựng giá đất thời gian qua và để thực hiện theo quy định mới bảo đảm chặt chẽ, phù hợp, dự thảo hoặc văn bản dưới luật cần quy định cụ thể về xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin đất đai đến cơ sở xã và thường xuyên cập nhật thông tin các giao dịch về đất đai, nhất là các trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất, làm cơ sở cho việc xác định giá đất.

Đồng thời, xây dựng giá đất trên cơ sở giá trị đất đai theo khả năng sinh lời trong điều kiện sản xuất bình thường có hạ tầng, thị trường, không xác định theo hiện trạng sản xuất tại thời điểm của vùng/xã/huyện đó, nhất là khu vực kinh tế - xã hội đồng bào khó khăn.

Ông Hương cũng kiến nghị giá đất cần gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các khu vực quy hoạch cần được xác định rõ vị trí, diện tích, loại đất và dự kiến các tác động vào giá đất tăng khi thực hiện dự án đầu tư; các dự án đầu tư phải được thực hiện đúng tiến độ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Đồng thời, thực hiện đầy đủ, thực chất việc lấy ý kiến của người dân khi quy trình xây dựng giá đất, nhất là các khu vực dự kiến có dự án đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Cân nhắc thẩm quyền giải quyết tranh chấp

Ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng cơ quan soạn thảo cần tham khảo, cân nhắc thêm về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai ở khoản 2 điều 225. Trong điều kiện thực tiễn hiện nay, nếu chỉ giao cho TAND, trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp đất đai mà không giao cho UBND giải quyết như trước là không phù hợp, không khả thi và sẽ kéo dài thời gian giải quyết, mất nhiều thời gian, kinh phí cho các bên tham gia giải quyết.