Theo các doanh nghiệp bất động sản, khá nhiều câu chữ trong các khoản 8,9 và 10 của Thông tư 06 còn chung chung, gây khó hiểu. Không cho vay với các dự án "không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh" - đây là câu gây khó nhất cho các doanh nghiệp bất động sản, bởi sẽ có 2 cách hiểu: Một là dự án không đủ điều kiện pháp lý và hai là dự án không đủ điều kiện mở bán. Các doanh nghiệp cũng cho rằng, khi tiền sử dụng đất và chi phí hạ tầng thường chiếm đến 60 - 70% tổng mức đầu tư dự án, việc cho vay ngay từ bước dự án bắt đầu được triển khai là vô cùng cần thiết với các doanh nghiệp bất động sản. Nếu thị trường bất động sản vẫn im ắng như thời điểm hiện tại, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng theo như kinh doanh sắt, thép, vật liệu xây dựng….
Trước những ý kiến về thông tư 06, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, nếu thông tư 06 có những vấn đề trong quá trình thực hiện, NHNN sẽ có những chỉnh sửa phù hợp: “Tại Thông tư 06, NHNN chỉ quy định được cho vay khách hàng để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác kinh doanh, để thực hiện dự án đầu tư chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật, trong đó có luật kinh doanh bất động sản. Trường hợp Thông tư 06 gặp vấn đề khó khăn trong quá trình cho vay, chúng tôi sẽ xem xét, cần thiết sẽ chỉnh sửa, bổ sung, đảm bảo hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng an toàn, lành mạnh, không có rủi ro phát sinh, cũng như một mặt khác là đảm bảo tối đa nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân trong đó có lĩnh vực kinh doanh bất động sản”.
Một số ngân hàng cho rằng, Thông tư mới không siết vốn vào bất động sản nói chung, mà chỉ ngăn chặn các nhóm đối tượng cho vay tiềm ẩn rủi ro. Bởi bất động sản là các khoản vay trung và dài hạn, nếu không chọn lọc, thì có nguy cơ chôn vốn vào các dự án dở dang. Nhìn mặt tích cực hơn, những điều kiện của Thông tư 06 là để giảm bớt các rủi ro cho các tổ chức tín dụng, ngăn dòng vốn vào những linh vực không ưu tiên trong giai đoạn cần phục hồi sản xuất, kinh doanh.
“Chủ trương của chúng tôi trong thời gian này cũng là hạn chế cho vay bất động sản và chứng khoán, hiện nay, mục tiêu quan trọng nhất của Chính phủ và các ngân hàng là chung tay tạo dòng vốn cho sản xuất kinh doanh, việc cho vay vào bất động sản và chứng khoán rủi ro cũng cao và nguồn vốn này cũng không đưa vào sản xuất kinh doanh nên chúng tôi sẽ tập trung vốn cho những dự án sản xuất, kinh doanh”, bà Nguyễn Ánh Vân, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho biết.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm tháo gỡ vướng mắc, giúp tình hình thị trường bất động sản khởi sắc hơn. Chính phủ cũng khẳng định "không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý" vì bất động sản có vai trò rất quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng. Vì thế, những quy định chưa theo tinh thần này cũng cần có những chỉnh sửa cho phù hợp với bối cảnh mới.