Tới đầu tháng 8/2023, có khoảng 108 dự án nhà ở xã hội (NOXH) đã được cấp phép, đang triển khai đầu tư xây dựng. Tổng hợp của các địa phương gửi về Bộ Xây dựng đã có 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố danh mục 24 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, với tổng vốn đầu tư là 31.673 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 12.442 tỷ đồng.
Riêng trong 7 tháng đầu năm 2023, số lượng NOXH, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công là 10 dự án với tổng số căn hộ vào khoảng 19.853 căn; trong đó, NOXH có 7 dự án, quy mô 8.815 căn; nhà ở cho công nhân 3 dự án, quy mô 11.038 căn.
Tới nay, Bộ Xây dựng đã 3 lần công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay trên cổng thông tin điện tử của bộ và gửi Ngân hàng Nhà nước với số lượng 24 dự án NOXH, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện, với quy mô 20.188 căn hộ. Tổng mức đầu tư đối với 24 dự án trên vào khoảng 19.014 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.516 tỷ đồng.
Khảo sát của Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA)cho thấy, chủ đầu tư và người có nhu cầu mua NOXH phải vay với lãi suất cao: với chủ đầu tư là 8,7%/năm và người mua là 8,2%/năm. Điều đó khiến chủ đầu tư và người mua gặp khó khăn trong việc chuẩn bị nguồn tiền. Vì vậy, VNREA kiến nghị chủ đầu tư NOXH được vay với lãi suất mức dưới mức 6%/năm và người mua nhà dưới 4,5%/năm.
Bên cạnh đó, VNREA đề xuất cần có cơ chế ưu đãi mạnh, hấp dẫn chủ đầu tư, như các chính sách về quỹ đất, lựa chọn nhà đầu tư, giao đất… Về quy trình đầu tư phải có tính đặc thù, rút ngắn thời gian giải quyết từ 24 - 36 tháng xuống 12 tháng.
Tại hội thảo "Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam" tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng để thúc đẩy thị trường BĐS cần có mức lãi suất cho vay dưới 6% với NOXH (đối với chủ đầu tư) và dưới 4,5%/năm với người mua. Còn với BĐS du lịch, nghỉ dưỡng kiến nghị dưới 9%/năm; nhà ở cao cấp kiến nghị từ 9-10%/năm.
Nhiều nghiên cứu cũng cho rằng, thu nhập của công nhân, người lao động rất thấp (75% trong số họ thường xuyên phải đi vay để trang trải cuộc sống - theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), vì thế với mức lãi suất cho vay như hiện nay (8,2%/năm) thì họ không thể có khả năng mua NOXH, dù là đúng đối tượng. Với người có thu nhập ổn định 12 triệu đồng/tháng, thì tằn tiện trong chi tiêu cũng phải mất tới 37 năm mới trả hết lãi vay ngân hàng. Trong trường hợp không phải vay với lãi suất 8,2%/năm mà được vay lãi mức 4,5%/năm thì họ sẽ trả hết nợ sau khoảng 19 năm.
Gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng là rất cần thiết cho cả chủ đầu tư xây NOXH cũng như người thuộc diện được mua NOXH. Tuy nhiên, thời gian qua giải ngân rất chậm mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là do lãi suất cao. Gói tín dụng ưu đãi này thấp hơn 2%/năm so với lãi suất thương mại nhưng vẫn vượt xa tầm với của người lao động. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM tính rằng, muốn mua căn hộ NOXH có giá 1 tỷ đồng, người mua thanh toán trước 20% (200 triệu đồng) và được vay 80% (800 triệu đồng) với lãi suất 8,2%/năm. Với số tiền vay đó, năm đầu tiên người vay phải trả bình quân 5,46 triệu đồng/tháng (chưa kể còn phải trả một phần nợ gốc). Như vậy thì người lao động hầu như không dám vay để mua nhà vì số tiền phải trả nợ hàng tháng là rất lớn so với thu nhập, khiến họ “chùn tay”.
Được biết hiện có khoảng 1,3 triệu lao động, công nhân làm việc ở thành phố có nhu cầu nhà ở. Trong số này chỉ gần 40.000 công nhân (chiếm 3%) sống ở các khu lưu trú, ký túc xá được xây dựng tại các khu công nghiệp. Hầu hết lao động sống ở các phòng trọ diện tích trung bình 14 m2, mức thuê bình quân 1,6 triệu đồng/tháng, khoảng 4 người cùng ở. Công nhân đang phải dành 10-15% thu nhập chi trả chỗ ở.
Đầu tháng 4/2023, đề án xây dựng ít nhất 1 triệu NOXH cho người thu nhập thấp từ nay đến năm 2030 (trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn). Ngân hàng Nhà nước sau đó cũng hướng dẫn về gói vay 120.000 tỷ đồng cho NOXH. Theo đó, đến hết 30/6, chủ đầu tư được vay 8,7% mỗi năm, kéo dài 3 năm kể từ ngày giải ngân; còn người mua nhà được áp mức lãi suất 8,2% mỗi năm trong 5 năm.