Thị trường ngách "hái ra tiền" mùa dịch nhưng từng bị lãng quên

Trước những tác động tiêu cực trong ngắn hạn của Covid-19 lên thị trường bất động sản, CBRE đưa ra dự báo về nhu cầu tăng trưởng mạnh của của BĐS công nghiệp kho lạnh.

Tại buổi họp báo Thị trường BĐS Hà Nội quý 1/2020, bà Dương Thùy Dung -  Giám đốc cấp cao, kiêm Trưởng bộ phận Định giá, Nghiên cứu Thị trường và Tư vấn phát triển tại CBRE cho biết liên quan đến BĐS công nghiệp có một số mảng có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong dịch Covid -19 nhưng lại bi lãng quên tại Việt Nam là ngành kho lạnh. 

Đại diện CBRE cũng nhấn mạnh, thương mại điện tử sẽ là động lực phát triển cho ngành kho vận trong năm 2020 khi nCoV khiến cho các hoạt động mua sắm truyền thống bị hạn chế và thất sủng. Trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh làm gia tăng doanh số bán hàng trực tuyến và đẩy nhanh hình thức bán lẻ đa kênh, việc bổ sung nguồn cung nhà kho quanh các khu đô thị lớn là rất cần thiết nhằm đáp ứng sự gia tăng đột biến về giao hàng chặng cuối.

"Chúng ta nhận thấy thương mại điện tử, bán lẻ online có doanh thu tốt trong tháng 2 và tháng 3 với mức tăng trưởng lên đến 100%. Tuy nhiên, nếu  so với các nước trong khu vực con số tăng trưởng này vẫn ở mức thấp vì mức tăng trưởng này đang tập trung chủ yếu ở mảng hàng khô, không phải bảo quản đông lạnh. So với các nước chúng ta thiếu một lượng lớn kho lạnh", bà Dung nhận định.

Theo đại diện CBRE, nhóm bất động sản kho lạnh được đánh giá là xu hướng mới, đang nhận được nhu cầu thuê rất lớn xuất phát từ gia tăng doanh thu bán rau củ và thực phẩm tươi sống trực tuyến. Thị trường ngách này được cho là sẽ hưởng lợi trong dài hạn từ các tác động của dịch bệnh.

Quan sát thực tế cho thấy, từ giữa tháng 3 đến nay, nhu cầu thuê kho lạnh tại TPHCM và nhiều tỉnh thành khác tăng đột biến do nhu cầu trữ các loại hàng thực phẩm gia tăng vì tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Hiện, nhiều kho lạnh đã đầy hàng cho đến hết tháng 4 năm nay nên không thể nhận thêm hàng dù nhu cầu đang rất lớn.

Các doanh  nghiệp cho biết hiện nhu cầu thuê kho lạnh tăng rất nhiều do sức tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu như thịt, trái cây chậm lại vì dịch Covid-19. Còn các mặt hàng sản xuất ra ở trong nước như thủy sản cũng chịu ảnh hưởng của dịch Covid không xuất khẩu được. Vì thế, nhu cầu cần kho lạnh để trữ hàng tăng đột biến trong thời gian gần đây.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) hiện tại do dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp thủy sản đang thiếu kho lạnh trầm trọng nên không thể thu mua được nguồn nguyên liệu như tôm, cá mà nông dân sản xuất ra. Đồng thời, khó có thể chủ động tạo được nguồn hàng lớn khi thế giới có nhu cầu trở lại.

Kho lạnh không chỉ là điều kiện cần để có thể hỗ trợ tối đa cho việc thu mua hết nguyên liệu cho người dân, mà còn là mắt xích chính để giúp doanh nghiệp chủ động trong các giao dịch ký hợp đồng với quốc tế. Tuy nhiên, một hạn chế cho việc phát triển các kho lạnh trữ thủy sản là chi phí đầu tư khá lớn nên công suất kho lạnh tại Việt Nam đến nay vẫn còn chưa theo kịp được nhu cầu của ngành.

Để giải quyết cấp thiết nhu cầu về kho lạnh, hôm 2-4, VASEP đã có văn bản số 35/2020 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây kho lạnh.

Trong đó, VASEP kiến nghị được hỗ trợ lãi suất 0% trong hai năm đầu và giảm lãi suất 50% trong bốn năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh có công suất tối thiểu là 5.000 pallet (cố định hàng hóa có quy cách trung bình là 120x100x150cm) trở lên. Bên cạnh đó, hỗ trợ giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho hai năm đầu khi các kho lạnh kể trên đi vào vận hành.