Xoay xở trả nợ
Gần 2 tháng nay, gia đình chị Đào Thị Nương, ngụ chung cư Lê Thành (P.An Lạc, Q.Bình Tân, TPHCM) như “ngồi trên đống lửa” vì các khoản vay ngân hàng khi mua nhà. Giữa năm 2019, chị Nương mua lại căn hộ cũ, diện tích 75m2 với giá 1,7 tỷ đồng. Tiền tiết kiệm của 2 vợ chồng chỉ hơn 700 triệu đồng, còn lại 1 tỷ là vay NH với thời hạn 15 năm. Số tiền cả gốc lẫn lãi chị Nương phải trả hơn 16 triệu đồng/tháng.
“Hai vợ chồng đều làm hướng dẫn viên du lịch, tổng thu nhập tầm 40 triệu đồng/tháng. Sau khi tính toán rất kỹ, chúng tôi quyết định mua căn hộ để ổn định cuộc sống. Ai ngờ, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng quá nặng nề, 2 chúng tôi dần bị giảm lương. Sau đó dịch vụ du lịch ngừng hoạt động, công ty cho nhân viên nghỉ, hỗ trợ lương vài triệu đồng/người/tháng khiến chúng tôi chới với. Số tiền dành dụm gần đây chỉ cầm cự được 2 tháng tiền trả nợ NH. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, công việc đình trệ, không biết chúng tôi xoay đâu ra tiền trả lãi” – chị Nương lo lắng.
Dịch COVID-19 khiến người người mất việc, giảm thu nhập. Họ càng khó khăn hơn khi đang vay nợ NH để mua nhà, mua xe...
Cũng khổ sở không kém khi trở thành con nợ NH, chị Nguyễn Thị Thu Nhi (37 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, TPHCM) cho biết, mình mua căn hộ trả góp ở Q.9 (TPHCM) với giá 1,5 tỷ đồng. Trong đó vay NH gần 1 tỷ đồng, lãi suất 10,5%, vay với thời hạn 15 năm. Số tiền lãi và gốc (từ năm thứ 2 trở đi) là 12 triệu đồng/tháng.
“Tôi là nhân viên phục vụ căn tin, kiêm luôn tạp vụ của một cơ quan truyền thông, chồng là nhân viên lái xe bus. Tổng thu nhập 2 vợ chồng khoảng 25 triệu đồng/tháng. Tuy mua được căn hộ đã gần 3 năm nhưng chưa dám ở ngày nào. Lý do là chúng tôi cho thuê nhà ở quận 9 với giá 6 triệu đồng/tháng, còn mình thuê phòng trọ tận H.Hóc Môn (TPHCM) giá 1,5 triệu đồng/tháng cho đỡ chi phí"- chị Nhi cho hay.
Theo người này, vừa qua công ty ngừng hoạt động do dịch COVID-19 trong khi 2 vợ chồng đều là nhân viên hợp đồng nên nằm trong danh sách khi bị nghỉ việc đầu tiên. "Người thuê nhà cũng trả nhà về quê… Thế là số tiền 12 triệu đồng/tháng trả nợ NH, chúng tôi phải gánh, trong khi lại không có bất kỳ thu nhập nào khác"- chị Nhi buồn bã nói và cho biết, 2 tháng qua, chưa trả cho NH được đồng nào. Mới đây, chủ đầu tư đã phát văn bản xử phạt trả chậm và đòi thanh lý hợp đồng trong tối đa 10 ngày nếu vẫn không đóng tiền. "Giờ muốn bán nhà cũng không có ai mua” – chị Nhi nức nở.
“Bỏ quên” khách vay mua nhà?
Ngày 8/4, chúng tôi liên hệ với nhiều NH thương mại tại TPHCM để tìm hiểu gói ưu đãi cho khách hàng vay mua nhà trả góp. Đa số các NH đều cho biết, chưa có chính sách dành riêng cho đối tượng này.
“NH chúng tôi đang triển khai nhiều gói vay ưu đãi, giảm lãi suất nhưng chủ yếu cho doanh nghiệp, một số khách hàng cá nhân thuộc các ngành nghề bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Còn đối với khách vay mua nhà thì chưa có chính sách. Tuy nhiên nếu khách hàng đang bị cách ly hoặc điều trị COVID-19 thì có thể làm đơn, NH sẽ xem xét” – đại diện một NH thương mại ở Q.1 (TPHCM) cho biết.
Kinh doanh khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp đóng cửa, nhân viên mất việc
Từ ngày 1/4, nhiều NH đã triển khai các giải pháp cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng. Theo đó, khách hàng phải chủ động gửi đơn đề nghị NH giãn nợ và trình bày nguồn thu nhập bị sụt giảm như thế nào.
Trên cơ sở đó, NH sẽ thẩm định và xem xét từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp đề xuất đều được NH xét duyệt và hỗ trợ. Hiện nay, NH chủ yếu tập trung vào nhóm khách doanh nghiệp, đối với khách hàng cá nhân gần như đang còn bỏ trống.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trọng Hoàng, trông chờ sự hỗ trợ từ ngân hàng là hơi khó, bởi các ngân hàng cũng là những đơn vị kinh doanh, phải cân đo đong đếm nguồn thu, chi. Vì vậy, để gỡ khó cho người vay vốn, cần có sự tiếp sức mạnh hơn từ cơ quan quản lý nhà nước bằng các gói hỗ trợ.
Theo nhiều NH, có quá nhiều khách hàng gặp khó khăn nên nếu NH không gia hạn nợ, giảm lãi suất, các khoản vay sẽ rơi vào nợ xấu. NH phải dùng lợi nhuận để hỗ trợ rủi ro cho khoản nợ này, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh doanh.