Dịch Covid-19 đang khiến sức mua trên thị trường BĐS sụt giảm. Hiện nay dịch bệnh diễn biến phức tạp, theo các chuyên gia, việc thị trường trầm lắng là điều tất yếu. Tuy vậy, trầm lắng ở đây không có nghĩa là nhà đầu tư không có nhu cầu mà họ đang bị hạn chế các hoạt động giao dịch trực tiếp như tư vấn, tham quan dự án, tham gia các buổi bán hàng.
Theo đó, tâm thế chung của thị trường hiện nay là chờ đợi. Với chủ đầu tư, họ chờ đợi dịch bệnh qua đi để triển khai kế hoạch bán hàng. Với khách hàng, họ chờ đợi để đa dạng hóa lựa chọn sản phẩm, để tìm hiểu kỹ dự án trước khi chốt giao dịch.
Mặc dù các giao dịch đang chững lại song một tín hiệu khả quan là chưa xuất hiện tình trạng bán tháo, bán cắt lỗ giảm giá trên diện rộng. Ngược lại, ở một số thị trường vẫn có dấu hiệu tăng giá. Điều này cho thấy, BĐS vẫn có lực hồi phục tốt sau dịch. Tuy nhiên, chu kỳ phục hồi ngắn hay dài sẽ phải phụ thuộc vào thời điểm kết thúc của dịch bệnh.
Với nhà đầu tư, có 2 xu hướng đang hình thành là: Chấp nhận cắt lỗ để thu dòng tiền ở một vài dòng sản phẩm, vị trí (đối với NĐT áp lực vay ngân hàng lớn, không đại diện cho cả thị trường) và xu hướng vẫn sẵn sàng ôm hàng (đối với các nhà đầu tư có tài chính mạnh). Riêng với người mua ở thực thì động thái với thị trường BĐS đang như thế nào?
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, khác với dòng sản phẩm chuyên để đầu tư, những sản phẩm hướng tới người mua ở thực vẫn là phân khúc khá ổn định, không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh. Tại khu vực phía Nam, các sản phẩm này thường là căn hộ có mức giá từ 2-3 tỷ đồng tại khu vực ngoại ô Tp.HCM và vùng ven như Bình Dương.
Hoặc đất nền vùng ven TP lớn có mức giá 1-2 tỷ. Hiện nay các thành phố lớn phía Nam là nơi tập trung đa số dân số trẻ trong độ tuổi lao động, kết hôn. Số lượng này đến từ dân bản địa và cả dân nhập cư hàng chục ngàn người mỗi năm tạo ra nhu cầu nhà ở bức thiết. Với khoản tài chính tích lũy chưa nhiều, nhu cầu này lại trúng khoảng giá của phân khúc trung cấp.
Trong giai đoạn dịch bệnh, lượng giao dịch BĐS đã giảm tuy nhiên một lượng lớn khách có nhu cầu ở thực, sẵn nguồn tiền mặt vẫn có động thái tìm kiếm, tìm hiểu các dự án nhà ở phù hợp
Theo ông Phúc, trong giai đoạn dịch bệnh, lượng giao dịch BĐS đã giảm tuy nhiên một lượng lớn khách có nhu cầu ở thực, sẵn nguồn tiền mặt vẫn có động thái tìm kiếm, tìm hiểu các dự án nhà ở phù hợp, chờ đợi khi dịch bệnh kết thúc để đi thực tế và ra quyết định.
Thực tế, các dự án giá tầm trung trong giai đoạn này nếu đã tiếp cận khách hàng từ trước giai đoạn dịch bệnh, duy trì hoạt động marketing vẫn ghi nhận lượng booking qua online. Việc chờ đợi để săn các dự án cắt lỗ là điều khó xảy ra, đặc biệt là các dự án trên thị trường sơ cấp. Hiện nay khi triển khai dự án, chi phí bị đội lên nhiều so với trước từ tiền đất, tiền vật liệu xây dựng, nhân sự,…
Thực tế đã chứng minh, giá mặt bằng chung của BĐS chỉ có thể đi ngang, tăng chậm hoặc nhanh tùy giai đoạn chứ ít khi nào giảm giá bán trên diện rộng. Thêm vào đó, đặc thù của BĐS là kênh tích trữ tài sản hiệu quả, tâm lý người mua rất khó chấp nhận việc bán tháo, bán cắt lỗ. Trong trường hợp khẩn cấp thì việc bán tháo 10-20% trên tổng số vốn bỏ ra là có nhưng không nhiều.
"Do đó tôi cho rằng sẽ không có chuyện người mua nhà ở thực chờ đợi giảm giá sâu hoặc cắt lỗ vì điều này là không khả thi trên thị trường sơ cấp, sẽ có nhưng chiếm tỷ lệ nhỏ trên thị trường thứ cấp. Tuy không giảm giá, song đổi lại để kích thích sức mua, các chủ đầu tư hiện đang áp dụng nhiều chương trình ưu đãi như giãn thời gian thanh toán, ân hạn nợ gốc, tặng voucher cùng nhiều chương trình khuyến mại khác theo hướng có lợi cho người mua nhà. Đây là cơ hội quý giá của những người trẻ, đặc biệt là khách hàng ở thực, có nhu cầu tìm kiếm nơi an cư có mức tài chính hạn chế", ông Phúc chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Trịnh Minh Hải, một nhà đầu tư có nhiều năm trong lĩnh vực BĐS cho hay, thời gian vừa qua, nhất là thị trường Tp.HCM, các sản phẩm bất động sản được công bố bán ra giá khá cao so với nhu cầu thực tế. Nhưng mà lượng khách hàng hấp thụ tương đối ổn, hầu như dự án nào cũng cháy hàng.
Nên bây giờ nói giá đã đỉnh rồi, dù thị trường hiện nay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid, nhưng những dự án sắp tới ở Tp.HCM hay tỉnh vùng ven như Bình Dương, Đồng Nai… sẽ có giá đi ngang giá chứ không giảm mạnh. Khách hàng nào đang giữ tài sản lớn thì cố gắng tận dụng giữ, cầm cự, chắc chắn sau khi dịch ổn định và thị trường khởi sắc, giá bất động sản sẽ có bước đột phá khá cao.
"Giá bất động sản thời điểm này, đi ngang chứ không giảm xuống quá. Còn mua để dành, nếu có nguồn tiền nhàn rỗi để dành được trên 3 năm thì cũng có thể mua thời điểm hiện nay", nhà đầu tư này cho hay.
Còn theo ông Trần Khánh Quang, Chuyên gia BĐS, với người mua nhà ở thực, họ chưa có tâm lý mua bất động sản giá hời trong thời điểm hiện nay, tức là đợi giá giảm xuống nhiều để mua. Bởi vì, hiện nay trên thị trường giao dịch rất ít và người mua cũng cảm thấy chưa đến thời điểm mà thị trường bất động sản đi xuống.
"Đối với người mua ở thực, thì cứ canh. Vì bất động sản hiện nay giá trị phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu. Vì thế, người mua cứ canh bất động sản phù hợp với nhu cầu. Người mua ở thực có thể đổi nhà này sang nhà khác, có thể mua một căn nhà mặt tiền, có thể mua miếng đất ở đâu đó… Bây giờ cứ ngắm sẵn, đến lúc thị trường bắt đầu xảy ra tình trạng khó khăn thì chúng ta mạnh dạn đi trả giá chứ không đợi thị trường đi xuống. Theo tôi nghĩ hết 3 tháng, tới giữa tháng 8 cứ mạnh dạn đi trả giá. Ai mà giảm giá 10%-15%, thì mua vào. Đó là giá tốt", ông Quang nhấn mạnh.
Đa số các chuyên gia trong ngành cho rằng, không có gì đáng sợ ở thời điểm này. Để lựa được bất động sản tốt thì cực kỳ khó, nhưng chúng ta đang trong thời điểm của người mua, vì giao dịch bất động sản đã ít đi rồi. Người bán nhiều hơn người mua, thành ra người mua đang làm chủ thị trường hiện nay, có thể lựa chọn một bất động sản như ý với giá tốt, vị trí tốt để đầu tư lâu dài.