Thị trường bất động sản: Tháo gỡ vướng mắc, nắn dòng vốn?

Nhiều doanh nghiệp, Sở Xây dựng, chuyên gia mong muốn thị trường bất động sản được tháo gỡ vướng mắc về pháp lý và vốn. Bên cạnh đó, để vực dậy thị trường, cần khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà giá rẻ.

Cần tháo gỡ ách tắc pháp lý

Phó Tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản lớn ở miền Bắc cho biết, công ty đang có 3 dự án căn hộ bị ách tắc vì vướng thủ tục. Vị này chia sẻ: “Một dự án vẫn chưa xong thủ tục giao đất còn 2 dự án chưa xong việc tính tiền sử dụng đất để hoàn thành nghĩa vụ tài chính”. Công ty đã xin tạm nộp tiền sử dụng đất để triển khai dự án, để khỏi bị khách hàng kiện cáo nhưng không được. “Ở đây chúng tôi nghĩ vấn đề là do con người, do cán bộ lãnh đạo không dám quyết vì sợ sai nên ảnh hưởng đến doanh nghiệp”, vị này nói.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành, nhấn mạnh, chỉ vì ách tắc về thủ tục quá lâu mà các doanh nghiệp không thể triển khai, hoàn thiện được dự án, khiến chi phí gia tăng trong khi nguồn thu ngày càng giảm. “Doanh nghiệp bất động sản muốn sống được phải có dự án triển khai nhưng vì những vướng mắc thủ tục pháp lý mà dự án bị ách tắc kéo theo nguy cơ doanh nghiệp phá sản. Điều đó ảnh hưởng lớn đến thị trường chung cũng như cả nền kinh tế”, ông Nghĩa nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, đã nhận được lời mời tham dự cuộc họp của Thủ tướng về thị trường bất động sản. Ông Cường cho rằng, bất động sản đang ách tắc gồm pháp lý và nguồn lực hỗ trợ về tài chính. Dòng chảy tài chính không thông sẽ ảnh hưởng đến bất động sản. Pháp lý bị ảnh hưởng khiến dự án đầu tư không thể ra hàng. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước phải tháo gỡ cả 2 mặt này. Nếu thị trường bất động sản gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng nhiều ngành nghề khác.

Nắn dòng vốn vào phân khúc phù hợp với nhu cầu thực

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vương Tuấn Nghĩa, Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang, cho rằng, phân khúc nhà ở thương mại giá cao, đất nền đầu cơ cần phải gạt sang một bên. Phân khúc cần quan tâm giải quyết lúc này là nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ phù hợp với khả năng tài chính của người dân. Theo ông Nghĩa, hiện những quy định về nhà ở xã hội còn nhiều bất cập liên quan đối tượng mua. Theo quy định, chỉ có cá nhân mới được mua nhà ở xã hội khi đáp ứng đủ các tiêu chí.

“Chúng tôi kiến nghị nhà ở xã hội cần mở rộng cho cả đối tượng là tổ chức. Cụ thể, doanh nghiệp khu công nghiệp có thể mua nhà ở xã hội cho công nhân thuê. Bên cạnh đó, việc quy định cá nhân có sổ đỏ trên địa bàn tỉnh không được phép mua nhà ở xã hội cũng bộc lộ nhiều vấn đề. Như tại Bắc Giang, có những huyện vùng núi, người dân có đất ở quê nhưng khi đi làm công nhân tại khu công nghiệp trong thành phố lại bị xếp vào diện không đủ điều kiện mua, thuê mua nhà ở xã hội. Cơ quan quản lý nên xem xét điều chỉnh vấn đề này phù hợp với thực tế các địa phương”, ông Nghĩa nói.

Trong báo cáo của Bộ Xây dựng, liên quan quy định về đất đai, Bộ Xây dựng nêu nhiều khó khăn, vướng mắc trong xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất..., đặc biệt là việc xác định đâu là giá đất thị trường (chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án). Việc này dẫn đến cơ quan chức năng e ngại, sợ trách nhiệm gây thất thoát nếu định giá thấp hơn thị trường, nhiều trường hợp định giá cao hơn nhiều giá giao dịch thực tế gây khó cho doanh nghiệp triển khai thực hiện.

Ngoài vấn đề thủ tục, ông Nghĩa cho rằng nên có dòng vốn tín dụng cho nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi hơn để người dân dễ dàng tiếp cận mua nhà. Bên cạnh đó, với các dự án nhà thương mại giá dưới 20 triệu đồng/m2, cần được xem xét cho vay.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng, dòng vốn bất động sản đang bị tắc tại nhiều phân khúc. Ông Đính kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước nên nắn dòng vốn vào các phân khúc sản phẩm phù hợp, đưa mức giá bất động sản nhà ở xuống mức dễ chịu hơn với những hộ gia đình có nhu cầu thực.

Lùi thời gian tổ chức hội nghị

Ngày 11/2, Văn phòng Chính phủ gửi đi công điện về Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Hội nghị do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, được tổ chức từ 8 - 12 giờ, ngày 14/2 tại trụ sở Chính phủ và trụ sở UBND các tỉnh, thành phố. Nhiều lãnh đạo bộ, ngành, Sở Xây dựng địa phương, doanh nghiệp và chuyên gia xác nhận tham dự. Tuy nhiên, ngày 13/2, đại diện Bộ Xây dựng cũng như nhiều khách mời xác nhận thông tin thời gian tổ chức Hội nghị được lùi sang ngày 17/2.