Cụ thể, theo báo cáo tình hình doanh nghiệp của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2021, cả nước có 29.300 doanh nghiệp mới được thành lập. Báo cáo cũng cho thấy có 8/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Doanh nghiệp giáo dục, công nghệ cũng "lấn sân"
Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng đầu về số doanh nghiệp thành lập mới trong quý đầu năm nay với 1.733 đơn vị, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong 3 tháng đầu năm nay cũng tiếp tục đứng thứ 3 về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn 600 triệu USD.
Hàng loạt tân binh tay ngang lấn sân thị trường địa ốc.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến của thị trường, tìm kiếm những ý tưởng, hướng đi mới hoặc chờ đợi triển khai các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp, chưa "đóng cửa" doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian qua, trong số các doanh nghiệp đăng ký mới tham gia vào thị trường kinh doanh bất động sản ,nhiều doanh nghiệp tay ngang như giáo dục, công nghệ, xuất nhập khẩu cũng lấn sân để "chia chác" miếng bánh ngọt địa ốc.
Trong đó, có thể kể đến như CTCP sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) với đề xuất xây Khu công nghiệp Gilemix Quảng Ngãi rộng 720 ha và đang tập trung giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex tại Thừa Thiên-Huế với diện tích 460,8 ha.
Doanh nghiệp cao su Phước Hòa (PHR) – đại gia ngành cao su Việt Nam với quỹ đất 15.000 ha tại Bình Dương và đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết vận hành phát triển khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương.
Hay mới đây, trong báo cáo hội đồng hợp nhất kiểm toán năm 2020 của Apax Holdings – một doanh nghiệp về giáo dục cũng bất ngờ phát sinh khoản đặt cọc 473,4 tỉ đồng làm dự án bất động sản tại Hà Tĩnh, chiếm gần nửa số dư phải thu khác.
Thậm chí, mới đây Hanoi Telecom - công ty mẹ của nhà mạng Vietnamobile cũng tuyên bố sẽ lấn sân sang các mảng thị trường khác như bất động sản công nghiệp, khách sạn cao tầng, resort, khu dân cư...
"Miếng ngon nhưng không dễ xơi"
Không thể phủ nhận, bất động sản dường như đang trở thành miếng bánh ngọt mà bất kể doanh nghiệp nào cũng muốn có phần. Với nhận định có tới 90% tỷ phú đều giàu lên từ bất động sản, và điều này không chỉ đúng với Việt Nam mà còn với cả toàn thế giới.
Tuy nhiên, trên thực tế, dù hấp dẫn nhưng đây cũng là một trong những thị trường khốc liệt nhất ngay cả với các chủ đầu tư lâu năm, và lịch sử đã không ít doanh nghiệp tay ngang phải nhận trái đắng khi lấn sân vào.
Siêu dự án dát vàng Habico Tower đến nay vẫn bị bỏ hoang.
Đơn cử như trường hợp của chủ dự án căn hộ Habico Tower dát vàng tại Hà Nội là Công ty cổ phần Hải Bình (Habico) - một đơn vị kinh doanh thiết bị xăng dầu nhảy qua làm bất động sản.
Lấn sân sang thị trường địa ốc với dự án có mức giá bán lên tới 85 tỷ đồng/căn vào thời điểm ra mắt, nhưng nhiều vướng mắc trong triển khai đã khiến dự án không hoàn thành như tham vọng của chủ đầu tư.
Hơn 10 năm sau màn ra mắt lẫy lừng, đến nay Habico Tower vẫn chỉ là một khối bê tông 9 tầng bỏ hoang, công trường không có hoạt động thi công, cẩu thang, vận tháp cũng không còn. Chủ đầu tư bị nhà thầu, ngân hàng kiện cáo liên quan đến hàng nghìn tỷ đồng đang kẹt trong dự án.
Hay trường hợp của CTCP Landmark Holdings, doanh nghiệp có tiền thân kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí. Năm 2017, doanh nghiệp này mới thực sự lấn sân sang lĩnh vực bất động sản bằng việc thay tên đổi họ thành Landmark Holdings, tăng vốn điều lệ và trở thành nhà phát triển Dự án Thành An Tower, 21 Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân, Hà Nội), sau đổi tên thành Manhattan Tower. Những tưởng màn kết hợp này sẽ giúp Landmark Holdings chào sân thị trường miền Bắc ngoạn ngục, nhưng chỉ hơn 1 năm sau đó, công ty này cũng đã phải tháo chạy khỏi dự án Manhattan Tower. Báo cáo tài chính cũng liên tục báo lỗ.
Theo các chuyên gia, việc mở rộng đầu tư vào bất động sản của các doanh nghiệp ngoài ngành là tín hiệu đáng mừng cho thị trường trong bối cảnh cung cầu lệch pha. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp còn giúp khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn, một mặt giúp doanh nghiệp tối đa hoá lợi ích khi bỏ trứng vào nhiều rổ.
"Tuy nhiên, đã có không ít chủ đầu tư thất bại "chóng vánh" chỉ vì chưa có sự nghiên cứu rõ về thị trường. Khi tham gia vào lĩnh vực này, các nhà đầu tư mới nên có những bước đi thận trọng, tìm kiếm đối tác tốt và bắt đầu làm những dự án quy mô nhỏ trước nếu thành công sẽ làm tiếp lớn hơn. Còn nếu ngay từ đầu đã lao vào làm dự án lớn ngay trong khi năng lực tài chính còn yếu sẽ phải chịu sức ép đi vay, dễ dẫn tới sa lầy do không bảo đảm dòng tiền cho hoạt động chính cũng như khó rút chân khỏi bất động sản một khi đã lún sâu" – vị chuyên gia cảnh báo.