"Tháo khóa" cho Bắc Vân Phong

Việc dừng triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong là cơ hội cho các nhà đầu tư lớn vì giá đất trở về giá thật.

Ông Hoàng Đình Phi, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong, cho biết sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng Quy hoạch Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (gọi tắt là đặc khu Bắc Vân Phong), ban đang xin ý kiến điều chỉnh quy hoạch chung của KKT Vân Phong đến năm 2030 để phù hợp với tình hình thực tế.

Hết thời bong bóng bất động sản

Người dân huyện Vạn Ninh liên tục mấy năm nay như ngồi trên lửa. Từ quán cà phê đến chợ búa, đâu đâu cũng nghe nhắc đến chuyện đất đai, quy hoạch. Năm 2017, sau khi có thông tin quy hoạch huyện trở thành đặc khu Bắc Vân Phong thì giá đất bắt đầu nhảy dựng!

Thời điểm đó, nhiều lô đất ven biển đều bị mua sạch với giá cao gấp 10 lần so với trước đây. Để hạ "sốt", tháng 5-2018, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có lệnh cấm giao dịch khiến giá đất ở Vạn Ninh giảm mạnh. Đến năm 2019, UBND tỉnh gỡ lệnh cấm, giá đất tăng trở lại, giữ mức từ 3-5 triệu đồng/m2 đất thổ cư. Tuy nhiên, sau khi có thông tin dừng quy hoạch đặc khu Bắc Vân Phong, bắt đầu có đợt thoái trào tiếp theo về giá đất đai.

Tháo khóa cho Bắc Vân Phong - Ảnh 1.

Khu kinh tế Vân Phong thu hút nhiều dự án đầu tư lớn

Ông Võ Văn Hoàn, phó giám đốc một công ty bất động sản ở Vạn Ninh, cho hay sau khi có thông tin tạm dừng quy hoạch đặc khu Bắc Vân Phong, rất nhiều giao dịch, thăm dò thị trường nhà đất ở đây dừng lại. "Đang có sự thoái trào về đầu cơ đất ở đây. Đó là điều tốt vì người dân và nhà đầu tư mù mờ về quy hoạch nhiều năm nay mà chưa có hướng đi. Đây là cơ hội cho những nhà đầu tư lớn, đầu tư thực sự vào Bắc Vân Phong vì giá đất đang trở về giá trị thật, không còn tình trạng lướt sóng, bong bóng đất đai, nhu cầu ảo như trước kia" - ông Hoàn nói.

Ông Trịnh Minh Đại Anh, chủ cơ sở du lịch ở đảo Hòn Ó (Điệp Sơn, thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh), cho biết quy hoạch chính là phương hướng, đường đi cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư đổ tiền vào xây dựng kinh tế địa phương.

"Khi xây dựng khu du lịch này chúng tôi cũng có nhiều lấn cấn vì đã tồn tại một quy hoạch cũ và đang làm quy hoạch mới khiến người dân, doanh nghiệp bất an. Việc thống nhất, hoàn thiện quy hoạch sẽ là động lực để các doanh nghiệp triển khai các dự án trên địa bàn huyện" - ông Anh nhìn nhận.

Nhiều dự án đầu tư lớn

Theo Ban Quản lý KKT Vân Phong, đến tháng 3-2020, KKT đã thu hút 158 dự án đầu tư gồm 129 dự án trong nước và 29 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỉ USD, vốn thực hiện khoảng 1,15 tỉ USD, đạt 29% vốn đăng ký; trong đó có 91 dự án đã đi vào hoạt động; 67 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đang triển khai đầu tư xây dựng.

Sau 5 năm thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2030, ở khu vực Nam Vân Phong (thị xã Ninh Hòa) và Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh) có sự chênh lệch lớn. Khu vực Nam Vân Phong thu hút được 94 dự án với tổng vốn hơn 3,57 tỉ USD trong khi Bắc Vân Phong chỉ có 64 dự án với tổng vốn 0,53 tỉ USD.

Khu vực Nam Vân Phong có 52 dự án đã đi vào hoạt động; nhiều dự án quy mô như: Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (2,58 tỉ USD), Khu Công nghiệp Ninh Thủy (294 tỉ đồng), cảng tổng hợp nam Vân Phong (984 tỉ đồng), Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (125 triệu USD), Nhà máy Đóng tàu Hyundai Việt Nam (250 triệu USD)... Còn khu vực Bắc Vân Phong có 39 dự án đã đi vào hoạt động nhưng các dự án lớn khiêm tốn hơn, đáng chú ý chỉ có cảng tổng hợp Bắc Vân Phong, Khu Du lịch sinh thái biển Hòn Ngang - Bãi Cát Thấm, Nhà máy Điện mặt trời KN Vạn Ninh.

Theo văn bản trình Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng khu vực Bắc Vân Phong do có chủ trương xây dựng đặc khu nên chưa triển khai lập quy hoạch các khu chức năng để nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. Do đó, nhiều khu vực chưa được định hướng quy hoạch, chưa đồng bộ như: Khu phi thuế quan, theo quy hoạch đã phê duyệt có diện tích khoảng 920 ha, còn khoảng 320 ha chưa được định hướng quy hoạch; các khu đô thị đa chức năng từ phía Nam Tu Bông đến đèo Cổ Mã khoảng 900 ha, trong khi khu vực này có diện tích tự nhiên khoảng 2.050 ha…

Còn theo Ban Quản lý KKT Vân Phong, quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000 khu vực Bắc Vân Phong chưa đồng bộ với quy hoạch chung của KKT đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 380 về diện tích, chức năng đô thị. Với việc tạm dừng lập quy hoạch đặc khu Bắc Vân Phong, Ban Quản lý KKT Vân Phong hy vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc để thực hiện việc quy hoạch được đồng bộ. Ban này đã trình UBND tỉnh bố trí kinh phí để lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý kêu gọi đầu tư nhưng chưa được bố trí. Vì vậy, đến nay chưa thể triển khai thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) vừa đề nghị được bỏ kinh phí làm quy hoạch khu vực Bắc KKT Vân Phong. Dự kiến lượng vốn đầu tư ở khu vực này khoảng 40 tỉ USD.