Doanh nghiệp kiến nghị được mua, thuê NƠXH cho công nhân

Ngoài đề xuất đầu tư 3 dự án nhà nhà ở xã hội (XXH) quy mô lớn tại Bắc Giang, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc, một doanh nghiệp FDI kiến nghị cho phép doanh nghiệp trong khu công nghiệp có thể đại diện cho người lao động đứng ra thuê, mua và bố trí cho công nhân viên của mình.

Xây 3 dự án nhà ở xã hội “khủng” cạnh các KCN

Trong kiến nghị gửi tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Tập đoàn Foxconn, doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin và sản xuất máy tính hàng đầu thế giới đã đề xuất xây 3 dự án nhà ở xã hội cho công nhân quy mô lớn gắn với các cơ sở sản xuất của chính tập đoàn này.

Doanh nghiệp kiến nghị được mua, thuê NƠXH cho công nhân - Ảnh 1.
Foxconn đang đề xuất đầu tư 3 dự án nhà ở xã hội để tạo lập chỗ ở cho công nhân tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa.

Theo đó, thông qua các công ty con, Foxconn đang đề xuất đầu tư 3 dự án nhà ở xã hội để tạo lập chỗ ở cho công nhân tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc.

Cụ thể là dự án nhà ở xã hội Golden Park tại xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh do Công ty TNHH MTV công trình Kim Xương Trí đầu tư, quy mô sử dụng đất 6,3ha, vốn đầu tư khoảng 2.900 tỷ đồng.

Dự án nhà ở xã hội Vân Trung, xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang do Công ty TNHH Fugiang đầu tư, quy mô sử dụng đất 16,7ha, tổng vốn đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng.

Và dự án khu nhà ở công nhân và công trình dịch vụ công cộng Phoenix Town ở Vĩnh Phúc, do Công ty TNHH Fuchuan đầu tư gần KCN Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, rộng 9,9ha, vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Cả 3 dự án nhà ở xã hội này đều gắn với 3 KCN mà các công ty con của Foxconn đã rót vốn đầu tư, đó là KCN Quế Võ (Bắc Ninh), KCN Vân Trung (Bắc Giang) và KCN Bình Xuyên (Vĩnh Phúc).

Kiến nghị cho phép DN là đối tượng được mua nhà ở xã hội

Tuy nhiên, trong kiến nghị này, Foxconn cho rằng việc triển khai đầu tư gặp nhiều khó khăn từ các chính sách hiện tại liên quan đến đến việc phát triển nhà ở xã hội. Do vậy để tháo gỡ những vướng mắc, Tập đoàn đã có một số đề xuất và kiến nghị.

Doanh nghiệp kiến nghị được mua, thuê NƠXH cho công nhân - Ảnh 2.
Tập đoàn Foxconn kiến nghị cho phép DN là đối tượng được mua nhà ở xã hội. Ảnh minh họa.

Đáng lưu ý là việc Tập đoàn Foxconn đề xuất cho doanh nghiệp (DN) sản xuất trong các KCN có thể đại diện cho người lao động đứng ra thuê, mua nhà ở xã hội để cho công nhân ở, đồng thời kiến nghị làm rõ các ưu đãi trong cơ chế khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân mà DN được hưởng.

Với việc đề xuất cơ chế DN đứng ra thuê, mua nhà ở xã hội cho công nhân các nhà máy thì cả 3 dự án được các công ty con của Foxconn đầu tư sẽ chủ yếu phục vụ nhu cầu ở của chính các công nhân làm việc cho Foxconn.

Theo Foxconn, hãng đã khảo sát thực tế tại các địa phương trước khi lên kế hoạch đầu tư, và nhận thấy đại đa số công nhân có nhu cầu cấp thiết về ổn định chỗ ở để làm việc nhưng họ không đủ tiền để thuê, mua nhà.

“Do đó, để tạo điều kiện, thúc đẩy việc đáp ứng về nhà ở cho người lao động cần cho phép doanh nghiệp trong KCN có thể đại diện cho người lao động đứng ra thuê, mua và bố trí cho công nhân viên của mình”, Tập đoàn này kiến nghị.

Đồng thời, để thực hiện các dự án nhà ở xã hội phục nhu nhu cầu ở của các hộ gia đình công nhân làm việc trong KCN, Foxconn kiến nghị Chính phủ sửa đổi quy định trong vòng 20 ngày kể từ ngày được giao đất DN phải có danh sách người lao động mua nhà mới được hưởng các ưu đãi đất đai.

Foxconn cho rằng yêu cầu này trong Nghị định 123 năm 2017 hướng dẫn về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước là không phù hợp, cần sửa đổi để tạo thuận lợi cho các DN phát triển nhà ở xã hội cho công nhân.

Đề xuất phát triển nhà ở cho công nhân tại KCN theo mô hình condotel

Tại diễn đàn Bất động sản công nghiệp 2020 diễn ra mới đây, các chuyên gia cho rằng, việc phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp còn nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất hiện nay khi phát triển nhà ở cho công nhân là đối tượng khách hàng có thu nhập thấp, dẫn đến việc nguồn cầu chưa đủ lớn.

Theo các chuyên gia, để giải quyết bài toán làm thế nào để phát triển nhà ở cho công nhân, Nhà nước cần có chính sách mạnh mẽ hơn.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp Hội BĐS Việt Nam cho hay, giải pháp căn cơ là cần tăng nguồn cung. "Hhiện nay đã có các doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp chuyên đầu tư nhà ở. Tuy nhiên, 80% là những doanh nghiệp địa phương nhỏ lẻ, xây dựng khu nhà ở cho công nhân nhưng điều kiện nhà ở chưa được tốt. Chính phủ cần quy hoạch lại các khu vực để xây dựng được mô hình nhà ở cho công nhân phù hợp", ông Hà lập luận.

Từ đó, ông Hà đề xuất có thể học tập, phát triển nhà ở cho công nhân theo mô hình condotel hiện nay. Mô hình này cho phép các nhà đầu tư có nguồn lực tài chính hạn chế có thể tham gia vào đầu tư và phát triển nhà ở cho công nhân, ngoài nguồn thu từ việc cho thuê hàng tháng, các nhà đầu tư sơ cấp cũng có thể thu lợi khi bất động sản tại khu vực đó tăng giá.