Sửa Luật đất đai: 21 vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự thảo

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là quy định thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng; điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; hay phương pháp định giá đất…

Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được xin ý kiến đại biểu lần này là quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền.

Quy định này nhằm giải quyết các trường hợp đang sử dụng đất do ông/cha để lại nhưng không có giấy tờ và không vi phạm pháp luật về đất đai.

(Ảnh minh họa)

Về nguyên tắc cấp ‘sổ đỏ’, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM) cho rằng, thực tế khi triển khai chế định giấy chứng nhận cấp cho hộ gia đình có những vướng mắc, bất cập; nhất là khi thực hiện các thủ tục như chuyển nhượng, thừa kế có khó khăn trong việc chứng minh thành viên hộ gia đình tại thời điểm cấp “sổ đỏ”.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, đề nghị ban soạn thảo luật cân nhắc quy định việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên “sổ đỏ” do các thành viên này tự thỏa thuận hoặc chịu trách nhiệm trước pháp luật:

"Nếu chúng ta cho phép ghi tên đại diện thì khi một thành viên hộ gia đình thực hiện các quyền của người sử dụng đất lại tiếp tục chứng minh thành viên hộ gia đình là gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước khi giải quyết thủ tục hành chính cũng như gây phiền hà cho người dân. Cho nên tôi đề nghị bỏ quy định tại khoản 5 Điều 136".

Dự thảo Luật thiết kế 3 phương án liên quan đến điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa như sau: Phương án 1: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa trong mọi trường hợp. Phương án 2: Không giới hạn về điều kiện. Chính phủ đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 589/BC-CP. Phương án 3: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định tại khoản 1 Điều 177.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, đoàn thành phố Hà Nội cho rằng, phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất: "Tôi chọn phương án 1 sẽ đảm bảo cho công tác quản lý đất trồng lúa của Nhà nước nghiêm ngặt và chặt chẽ, tránh trườn hợp cá nhân trục lợi thu gom đất, nhằm tích trữ đầu cơ, tạo thị trường ảo ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội. Cá nhân không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất và lên kế hoạch sản xuất quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại là phù hợp với điều kiện bối cảnh kinh tế xã hội nước ta hiện nay".

Nhiều đại biểu đề nghị quy định chặt chẽ hơn về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa. Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, đoàn Bắc Giang đề nghị: "Nên quy định theo Phương án 2, không yêu cầu, điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Việc quy định theo phương án này sẽ bảo đảm thực hiện đúng chủ trương tại Nghị quyết 18 của Trung ương là mở rộng đối tượng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng từng địa phương với việc chuyển đổi nghề việc làm lao động nông thôn".

Về phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng, dự thảo Luật quy định 2 Phương án. Phương án 1: Quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất nhưng giao Chính phủ quy định trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp. Phương án 2: Quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu nêu ý kiến: "Thực tiễn thực hiện phương pháp xác định giá đất đã xảy ra tình trạng: cùng một khu đất mỗi phương pháp xác định giá đất và mỗi đơn vị tư vấn khác nhau sẽ cho ra kết quả khác nhau. Để tránh rủi ro về mặt pháp lý cho các cơ quan định giá thẩm định giá đất và phê duyệt giá đất, tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nội dung tại Khoản 5 Điều 162 của dự án luật cần giao cho Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết để thực hiện".

Đến nay có 21 vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) xin ý kiến Quốc hội. Do đó, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần hết sức cẩn trọng khi xem xét thông qua, nếu chưa thống nhất có thể nghiên cứu, tiếp tục xem xét ở kỳ họp sau.