Đều có vị trí đắc địa và trở thành biểu tượng cho sự phát triển của TP.HCM, trong khi trung tâm thương mại của Landmark 81 có 130 hồ sơ xếp hàng chờ thuê thì tại Bitexco chỉ còn 4 mặt bằng hoạt động.
Bitexco là tòa nhà cao thứ 2 TP.HCM (68 tầng - 268m) và cao thứ 4 Việt Nam. Sở hữu vị trí đắc địa trên đường Ngô Đức Kế, Phường Bến Nghé, Quận 1, gần phố đi bộ Nguyễn Huệ và bến Bạch Đằng, trung tâm thương mại Icon68 tại Bitexco Financial Tower từng được người dân TP.HCM chọn làm nơi vui chơi, ăn uống những dịp nghỉ lễ, cuối tuần. Vào thời hoàng kim, một mặt bằng bán lẻ tại đây có giá thuê dao động từ 1,2 đến 1,5 triệu/m2. Ảnh: An Khương.
Nhưng giờ đây, một cảnh đìu hiu bao trùm lấy tòa tháp từng được xem như biểu tượng gắn liền với sự sôi động của thành phố. Những địa điểm thu hút khách như khu mua sắm, rạp chiếu phim đã không còn. Nơi đây chỉ có 4 mặt bằng còn hoạt động mua bán vào tháng 1/2024. Trong ảnh là sảnh chính của tòa nhà Bitexco vào ngày thứ 7.
Dấu hiệu duy nhất cho thấy tòa nhà này vẫn còn “thoi thóp” là quán lẩu Haidilao nằm trên tầng 3 thường xuyên kín chỗ. Được biết, tuy trung tâm thương mại vắng vẻ và ít người lui tới, khu văn phòng của Bitexco vẫn hoạt động bình thường.
Đã có nhiều đồn đoán xoay quanh việc tòa tháp này ngừng hoạt động từ gần một năm nay. Tuy nhiên, phía Bitexco từng đã bác bỏ nhận định này. Đồng thời họ khẳng định rằng đội ngũ tháp Bitexco đang làm việc cùng với các chuyên gia nước ngoài để đưa ra một kế hoạch nâng cấp và định vị mới cho tháp Bitexco, với mục tiêu có thể hoạt động bình thường trở lại từ quý 2-2023. Nhưng hiện giờ đã là quý 1-2024, tình hình vẫn không có gì thay đổi.
Khác với số phận hẩm hiu như người anh em Bitexco , Landmark 81 vẫn hoạt động trơn tru. Tòa nhà cao nhất Việt Nam (461m) tọa lạc tại 720A Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, nơi được coi là cửa ngõ phía Đông Bắc, nút giao thông quan trọng của thành phố. Tại đây, du khách chỉ mất 2 phút để đến được tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, mất 4 phút để đến trung tâm Quận 1, mất 3 phút để đến Khu đô thị Thủ Thiêm… Ảnh: Phùng Tiên
Khu trung tâm thương mại của Landmark 81 gồm 6 tầng, với những tiện ích nổi bật như rạp phim, sân trượt băng... Anh Thuận, một môi giới kỳ cựu đã từng phụ trách cho thuê những mặt bằng bán lẻ đầu tiên từ khi Landmark mở cửa, cho biết giá thuê mặt bằng bán lẻ, shop house tại Landmark hiện đang rơi vào khoảng 50 - 60 USD/m2/tháng (Khoảng 1,2 - 1,5 triệu/m2) tùy vị trí.
Điều đó đồng nghĩa với việc một gian hàng nhỏ ở Landmark 81 có diện tích khoảng 14 m2 như ảnh trên sẽ có giá dao động từ 16,8 - 21 triệu đồng/ tháng. Nhân viên bán hàng ở những sạp này chia sẻ khách hàng của họ chủ yếu là du khách Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Ấn Độ. Thường rất ít người Việt có thói quen mua hàng tại những điểm bán lẻ như thế này vì giá cả khó cạnh tranh do tiền thuê mặt bằng, nhân viên.
Tuy nhiên, anh Thuận cũng chia sẻ hiện tại Landmark 81 đã không còn chỗ trống nào. Hiện còn 130 hồ sơ đăng ký của các nhãn hàng, tiểu thương đang chờ ngày được bàn giao mặt bằng buôn bán. Nghĩa là khi một gian hàng trả mặt bằng sẽ ngay lập tức có một đơn vị khác thế chỗ. Những ki ốt tưởng rằng trống như ảnh trên thực ra đã có chủ, chỉ đợi ngày cải tạo và tiến hành kinh doanh.
Theo ghi nhận của phóng viên, người Việt Nam chủ yếu chỉ vào khu trung tâm thương mại của Landmark 81 để giải trí hoặc dành thời gian bên gia đình và người thân với các hoạt động như ăn uống, trượt băng, xem phim... Còn những quầy hàng bán lẻ có phần thưa thớt.
Khu vực rạp chiếu phim của toà nhà Landmark 81 cũng thưa thớt khách một phần do thị trường phim ảnh Việt Nam đang lắng xuống trước khi bùng nổ vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc.