Sau cả năm chờ đợi, môi giới bất động sản phấn khởi với thương vụ “chốt cọc” lúc nửa đêm

Dường như thị trường bất động sản đang có tín hiệu hồi sức rõ nét khi một số môi giới bắt đầu trở nên bận rộn với công việc dẫn khách đi xem và chốt hợp đồng.
Sau cả năm chờ đợi, môi giới bất động sản phấn khởi với thương vụ “chốt cọc” lúc nửa đêm - Ảnh 1.

Môi giới bắt đầu chốt cọc

Đã lâu lắm rồi, anh Thái (Hưng Yên) mới cảm nhận được “sức ấm” của thị trường bất động sản. Hơn 1 năm qua, anh Thái vừa túc tắc làm môi giới vừa tranh thủ làm nghề taxi. Nếu như ở thời điểm 2021-đầu năm 2022, anh Thái coi công việc môi giới là việc chính, taxi chỉ là nghề phụ. Lúc sốt đất, nửa đêm, anh Thái nhớ lại, lúc sốt đất, nửa đêm, ạnh phải cầm tiền đi cọc chốt mua cho khách vì sợ mất cơ hội.

Song, kể từ giữa năm 2022 đến hiện tại, anh Thái sống dựa vào nghề taxi. Thị trường trầm lắng, người bán nhiều người người mua. Nhiều lô đất cắt lỗ thậm chí khách chỉ hỏi cho vui.

“Tôi đã từng nghĩ chắc sang năm 2024, hoặc 2025, thị trường mới tốt trở lại. Tôi xác định cố gắng tiếp tục chạy xe ô tô thuê và túc tắc bán thêm hàng”, anh Thái nói. Mọi suy tính của anh đã đổi thay khi kể từ đầu tháng 8 trở lại đây, lượng giao dịch chốt thành công tăng sớm.

“Lượng khách hỏi mua và chốt nhiều hơn. Thậm chí, lô đất nào cắt lỗ 20-25%, có vài khách đều muốn cọc. Họ quyết định xuống tiền nhanh hơn. Đơn cử như đầu tháng 8, tôi rao bán cho khách lô đất nền dự án, nằm trong khu đô thị, diện tích 86m2, giá 2,1 tỷ đồng. So giai đoạn sốt, giá đất giảm tới 25%. Lô đất này được rất nhiều khách xem và ưng. Đến chiều tối, đôi vợ chồng trẻ ở Hà Nội thấy ưng, sợ người khác mua mất nên hơn 7h giờ tối, giục tôi qua gặp chủ kí cọc”, anh Thái kể.

Theo anh Thái, tâm lý của người mua bất động sản đã lạc quan trở lại. Họ kỳ vọng giá bất động sản tăng nên muốn xuống tiền sớm để đón “sóng hồi”.

Tuy nhiên, môi giới này cũng cho rằng: “Mặc dù lượng giao dịch chốt thành công tăng so với thời điểm thị trường trầm lắng. Nhưng so với giai đoạn sốt đất, thị trường vẫn ở mới dần hồi sức, chưa thực sự sôi động”.

Sau cả năm chờ đợi, môi giới bất động sản phấn khởi với thương vụ “chốt cọc” lúc nửa đêm - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Bước chân vào nghề môi giới gần 2 năm, chị Mạnh Phạm (Bình Dương) từng chốt giao dịch liên tục. Nhưng đó là thời điểm của sốt đất. Đến năm 2023, khi chuyển việc vào làm nhân viên kinh doanh của một công ty phân phối sản phẩm dự án, chị Mạnh thừa nhận, hơn nửa năm, không thể chốt được giao dịch. Thậm chí trước đó, dù rao án nhiều bất động sản cho khách với giá rẻ, chị Mạnh vẫn chỉ nhận được tín hiệu “không phản hồi từ khách xem”.

Đến giữa tháng 8, chị Mạnh đã chốt thành công giao dịch là căn biệt thự nằm trong khu đô thị mới. Môi giới này cho biết, lượng khách hàng quan tâm sản phẩm tăng nhiều so với giai đoạn trước. Tỷ lệ chốt sản phẩm cũng tăng. Tuy nhiên, giao dịch vẫn chỉ tập trung vào sản phẩm hiện hữu, có pháp lý, có khả năng mang lại dòng tiền. Đối với đất nền, đất ruộng, loại hình này chưa có sự cải thiện đáng kể về giao dịch.

Bất động sản dần hồi sức

Theo các chuyên gia, so giai đoạn trước, thị trường địa ốc đã có diện mạo thay đổi đáng kể. Song, thị trường vẫn chưa thực sự sôi động. Giao dịch thành công tập trung vào một số phân khúc với tầm giá hợp lý. Những sản phẩm mang đặc thù đặc tính đầu cơ đều hấp thụ chậm, dù đã cắt lỗ.

Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh miền Bắc cho rằng, lãi suất hạ đang kích thích người mua nhà đặc biệt là người có nhu cầu ở thực và đầu tư lâu dài. Tuy nhiên, giá bất động sản sẽ không có sự đột biến. Ông Quyết dự đoán, đến năm 2024, giá bất động sản mới khởi sắc.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư bất động sản Việt An Hòa, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu tan băng. Tuy nhiên, thời điểm thị trường hồi phục không phải trong năm nay, mà kỳ vọng sẽ xuất hiện vào đầu năm 2024, khi lãi suất cho vay hạ xuống, vốn đầu tư công chảy vào thị trường mạnh mẽ hơn nhận định.