Sau 3 năm dính đại án GPBank, sân golf Chí Linh ‘lột xác’, được định giá gần nửa nghìn tỷ đồng

Sở hữu sân golf có mức định giá ngót nghét nửa nghìn tỷ đồng, song ChiLinh Golf của doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng lại có kết quả kinh doanh chưa thực sự tương xứng.

Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, vào ngày 30/9/2020, CTCP Thẩm định giá và Đầu tư tài chính Bưu điện đã tiến hành định giá 15,75 triệu cổ phần (tương đương 70% vốn điều lệ) CTCP Đầu tư Phát triển Sân Gôn Chí Linh (ChiLinh Golf) có tổng giá trị 325,4 tỷ đồng. Mức định giá này tương đương với việc mỗi cổ phần của ChiLinh Golf có giá 20.660 đồng/CP, và tính trên 100% cổ phần là 465 tỷ đồng.

Sân golf Chí Linh (tên cũ là sân golf Ngôi Sao Chí Linh) có diện tích 325 ha, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế AAA tại tỉnh Hải Dương. Dự án này ban đầu do CTCP Sân gôn Ngôi Sao Chí Linh quản lý, đây cũng là dự án liên quan đến việc được UBND tỉnh Hải Dương miễn tiền thuê đất chưa đúng quy định vào năm 2010 và đặc biệt là vụ án "Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) năm 2017.

Theo đó, cuối năm 2017, một cá nhân liên quan đến vụ án này là Đoàn Văn An, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT GPBank đã ủy quyền cho người khác được quyền định đoạt 68% cổ phần của mình tại sân golf Ngôi sao Chí Linh. Trong quá trình xét xử, chủ dự án - CTCP Sân gôn Ngôi Sao Chí Linh đã nhận được sự săn đón của hai doanh nghiệp là CTCP Quản lý sân gôn Chí Linh và ChiLinh Golf. Trong đó ChiLinh Golf đưa ra mức giá 225 tỷ đồng, số tiền này đã được chuyển vào một tài khoản mở tại GPBank để giữ suất.

Tìm hiểu của Nhadautu.vn cho thấy, CTCP Đầu tư Phát triển Sân Gôn Chí Linh (ChiLinh Golf) được thành lập vào cuối năm 2017 - gần như cùng thời điểm với thương vụ thâu tóm sân gôn Chí Linh.

Công ty này có tên cũ là CTCP Đầu tư Phát triển Chí Linh, trụ sở từng được đặt tại số 419, phố Bạch Mai, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội với vốn điều lệ ban đầu đạt mức 100 tỷ đồng. Thành phần cổ đông sáng lập bao gồm CTCP Vật tư Nông sản (Apromaco, nắm giữ 55%), ông Nguyễn Tiến Dũng (25%), hai cá nhân còn lại là Nguyễn Thị Xuyên và Nguyễn Huy Nam mỗi người sở hữu 10% vốn.

Đến tháng 4/2018, CTCP Đầu tư Phát triển Chí Linh đã tiến hành đổi tên thành CTCP Đầu tư Phát triển Sân Gôn Chí Linh đồng thời chuyển trụ sở về Khu sân Golf Chí Linh, phường Thái Học, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Điều này như lời khẳng định rằng ChiLinh Golf đã "chốt" xong thương vụ thâu tóm sân gôn Chí Linh.

Sau 3 năm dính đại án GPBank, sân golf Chí Linh ‘lột xác’, được định giá gần nửa nghìn tỷ đồng - Ảnh 1.

Chi khoản tiền lớn để mở ra một chương mới cho sân golf được mệnh danh là "thách thức nhất Việt Nam", song dường như hiệu quả mà khối tài sản này đem lại cho doanh nghiệp của ông Nguyễn Tiến Dũng (SN 1963) vẫn chưa thực sự phát huy hết công suất, bởi liên tiếp trong 3 năm trở lại đây kết quả kinh doanh của ChiLinh Golf lại không mấy tích cực.

Như năm 2017 và 2018, doanh thu thuần của ChiLinh Golf lần lượt ở mức 0 và 42,2 tỷ đồng, tuy nhiên lỗ thuần trong năm 2018 ở 5,5 tỷ đồng. Sang năm 2019, doanh thu thuần tăng lên thành 69,5 tỷ đồng, song lợi nhuận thuần lại khá khiêm tốn với 279 triệu đồng. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này lần lượt là 252,4 tỷ đồng và 213,1 tỷ đồng. Dẫu vậy, đặt cạnh quy mô vốn điều lệ 225 tỷ đồng thì nhiều khả năng ChiLinh Golf đang phải gánh khoản lỗ lũy kế gần 12 tỷ đồng.

Về phần mình, hai cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối tại ChiLinh Golf là Apromaco và doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng trên thực tế lại cùng thuộc một "group" và sẽ được Nhadautu.vn đề cập trong một dịp khác.