Thế nhưng, thời gian gần đây, người khá thất vọng khi trải nghiệm thực tế. Điều gì đang xảy ra?
Anh Nguyễn T.A vẫn còn lưu lại ký ức đẹp về một lần được đến Tam Đảo cách đây gần 20 năm. Vốn sinh ra và lớn lên ở một đô thị phía Nam đất nước, nơi chỉ có 2 mùa mưa nắng, T.A hết sức ấn tượng với khí hậu mát mẻ, 4 mùa hội tụ trong một ngày với các cung bậc cảm xúc khác nhau. Phong cảnh núi rừng gần như còn nguyên sơ cộng với vị ngon lành, quyến rũ của những món ăn dân dã như gà đồi, su su... của những hàng quán hồn hậu, chân chất. Chính vì thế, năm nay anh quyết tâm đưa gia đình trở lại Tam Đảo với lời tuyên bố "cả nhà sẽ thích mê, ai không mê... tôi chịu trách nhiệm".
Không may cho T.A, gia đình anh đặt chân lên Tam Đảo vào đúng ngày mưa. Mặc dù đặt được phòng khách sạn có "viu" thẳng xuống quảng trường trung tâm của Thị trấn, nhưng ngoài dịch vụ cho thuê xe điện trẻ em ra thì theo lời 2 nhóc nhà anh phàn nàn là "hổng có gì hết trơn".
Là một kiến trúc sư, T.A nhận ra ngay thị trấn Tam Đảo đang phát triển các công trình theo kiểu san ủi để lấn những khối bê tông vào thiên nhiên, thiếu sự hài hòa tổng thể nên rất khó gọi là đẹp. Diện tích chỉ chưa đầy 3 km 2 nhưng mật độ tập trung dày đặc các nhà nghỉ, khách sạn với các loại hình kiến trúc lô nhô, kiểu dáng lộn xộn, không khác gì bất cứ một đô thị đồng bằng nào.
Thời gian tiếp theo của kỳ nghỉ, T.A khá "quê độ" với gia đình vì mọi thành viên trong gia đình đều nhận xét là ngoài khí hậu mát mẻ, sản phẩm du lịch ở đây tương đối nghèo nàn, ẩm thực cũng không có gì đặc biệt và giá cũng khá đắt. Cuối tuần, lượng người, ô tô đổ về đông nghẹt khiến cảnh quan càng trở nên chật chội, rất khó để thảnh thơi đi bộ dưới lòng đường và cũng xảy ra ùn tắc giao thông khiến bà xã của T.A thốt lên: "Như vầy đâu khác gì Đà Lạt với Sa Pa..."
Câu chuyện của T.A tại Tam Đảo có lẽ cũng là tâm trạng chung của nhiều gia đình khi đặt chân đến một số thành phố du lịch nổi tiếng như Đà Lạt , Sa Pa. Và, cũng đặt ra cho các nhà quy hoạch đô thị du lịch nhiều điều đáng suy nghĩ.
Ví dụ như Đà Lạt. Địa danh du lịch được mệnh danh là "thành phố mộng mơ", "thành phố ngàn sương" này đang bị bê tông hóa đến mức bức bối. Các công trình khách sạn, nhà hàng, quán ăn... xây dựng mọc lên san sát, hệ quả tất yếu là san ủi, chặt hạ cây xanh, thu hẹp mặt nước của suối, hồ dòng chảy.
Chính vì vậy, những năm gần đây, tình trạng ngập nước, sạt lở diễn ra ngày càng trầm trọng. Chỉ riêng hai ngày cuối tháng 6 năm nay đã xảy ra 13 vụ sạt lở. Trong số đó, bờ taluy công trình trong hẻm đường Hoàng Hoa Thám, phường 10 bị sạt lở, hàng tấn đất đá tràn xuống phía dưới khiến nhiều biệt thự, nhà cửa hư hỏng, 2 người chết, 5 người bị thương. Hay như chỉ cần một trận mưa, nhiều tuyến phố trung tâm của Đà Lạt biến thành sông. Điều chưa từng xảy ra nay đã trở thành bình thường khiến nhiều người chỉ còn cách quy lỗi cho... biến đổi khí hậu.
Khi lập quy hoạch "thành phố mộng mơ" này hơn 90 năm trước, những kiến trúc sư người Pháp đã cảnh báo nguồn nước ngầm, nước bề mặt chỉ đủ cung ứng cho khoảng 120.000 người. Tuy nhiên đến nay, chỉ với diện tích khoảng 393 km², với tốc độ gia tăng dân số cộng với khách du lịch, bình quân Đà Lạt có từ 620.000 - 650.000 người/tuần, lúc cao điểm mùa du lịch lên đến khoảng 1 triệu người. Vì vậy, thuật ngữ "thất thủ" đã không còn xa lạ với người dân thành phố, khi cao điểm xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài từ cửa ngõ thành phố đến tận sân bay Liên Khương.
Cuối cùng là chuyện của Sa Pa. Nhiều trang web du lịch đã giới thiệu với khách quốc tế hình ảnh của một thành phố cổ kính ngập tràn sương mờ và cung đường đi bộ qua ruộng bậc thang lúa chín vàng đẹp như tranh vẽ. Và họ hăm hở đến đây với kỳ vọng sẽ được ngắm nhìn những ngọn đồi thoai thoải nằm sâu trong thung lũng Mường Hoa, trải nghiệm những sản phẩm du lịch hài hòa với thiên nhiên.
Thế nhưng, thực tế lại không giống những gì tưởng tượng. Đập vào mắt họ là nhiều dự án đô thị mọc lên ồ ạt thiếu kiểm soát, đường giao thông nhỏ hẹp, chật chội, ngổn ngang, xe cộ chen chúc lẫn nhau. Lượng người đổ về quá đông khiến cho Sa Pa cũng giống như Đà Lạt, cũng quen dần với thuật ngữ "thất thủ".
Nói như vậy, không có nghĩa là phủ định những nỗ lực của các cơ quan quản lý ở các địa phương như Sa Pa, Tam Đảo hay Đà Lạt. Bởi lẽ, nói cho công bằng, du lịch đang mang lại nguồn sinh kế không hề nhỏ cho người dân. Đơn cử, chỉ riêng trong kỳ nghỉ 30/4-1/5/2022, Sa Pa đón 98.000 lượt khách tham quan; tổng doanh thu từ khách du lịch ước tính đạt 295 tỷ đồng. Còn trong năm 2023, Sa Pa phấn đấu đón 3,5 triệu lượt du khách, với tổng doanh thu 12.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đã đến lúc các nhà quy hoạch, các địa phương và cơ quan quản lý cần thực sự phải có những giải pháp đồng bộ, thể hiện tầm nhìn trong việc quy hoạch những đô thị du lịch để tạo ra những cảnh quan hấp dẫn nhưng vẫn đảm bảo hài hòa với thiên nhiên. Không thể cứ khai thác theo tư duy "đào gốc, trốc ngọn", tàn phá thiên nhiên, lấy số lượng khách làm thước đo cho sự thành công du lịch.
Trao đổi với Báo Công Thương về vấn đề này, một chủ doanh nghiệp du lịch nước ngoài có nói đại ý: Ngày nay, đôi khi, một điểm du lịch hấp dẫn không được biết tới đúng là lãng phí nhưng cũng có mặt tốt của nó. Vì ít ra nó vẫn còn nguyên vẹn. Còn nếu chúng ta khai thác không đúng cách, làm hư hỏng, thoái hóa đến mức có muốn cũng không thể nào khôi phục được thì sự tiếc nuối còn lớn hơn nhiều. Hãy nhìn ví dụ của Venice (Italia) làm bài học.
Chia sẻ này có gợi cho các nhà quy hoạch, quản lý điều gì không?