Sáng 29/8, tại Nhà Quốc hội, hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách, nhiệm kỳ khoá XV xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) (sửa đổi).
Trong đó, vấn đề các giao dịch BĐS thông qua sàn giao dịch BĐS (Chương VII dự thảo luật) thời gian qua nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị không quy định bắt buộc mà chỉ khuyến khích giao dịch BĐS thông qua sàn. Trong khi, một số ý kiến nhất trí về quy định các loại giao dịch BĐS thông qua sàn.
Tham gia ý kiến, đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đánh giá, cần khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất thông qua sàn giao dịch BĐS.
"Chúng ta chưa thể yên tâm với tình thế hiện tại, khi BĐS có giá trị kinh tế lớn. Có một thời gian dài mua bán BĐS một cách thuận tiện, dễ dàng, nhưng cũng rất lộn xộn và khi có sự cố xảy ra thì người dân, nhà nước dễ chịu thiệt thòi. Kinh doanh BĐS đã trở thành một nghề dễ làm, dễ phất lên với những mánh lới luồn lách", đại biểu nói.
Do đó, để lành mạnh hóa thị trường này, đại biểu cho rằng, việc giao dịch qua sàn giao dịch BĐS là cần thiết, để đảm bảo chính thức, nghiêm túc, tin cậy và tuân thủ pháp luật. Dự thảo luật cần có những quy định hoàn thiện cơ cấu tổ chức, hoạt động của sàn giao dịch BĐS.
Báo cáo, làm rõ vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thành cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, mục tiêu chính của việc bắt buộc giao dịch thông qua sàn giao dịch BĐS là nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường; bảo vệ quyền lợi cho khách hàng thường là bên yếu thế trong quan hệ giao dịch với chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh BĐS; thông qua sàn giao dịch BĐS để thu thập thông tin, dữ liệu, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, việc bắt buộc giao dịch thông qua sàn giao dịch BĐS không bảo đảm thực hiện hiệu quả các mục tiêu nêu trên.
Theo Chủ nhiệm, thực tiễn tổng kết thi hành Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 cho thấy, các sàn giao dịch BĐS hiện nay chỉ làm chức năng quảng cáo cho các chủ đầu tư và làm môi giới BĐS, chưa thực hiện hết chức năng của mình như: báo cáo thông tin về tình hình hình giao dịch BĐS, kiểm tra tính pháp lý của các sản phẩm BĐS trước khi đưa vào giao dịch…; câu kết với các bên giao dịch để trốn thuế, lũng đoạn thị trường, cung cấp thông tin không chính xác; cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương không quản lý được hoạt động của các sàn giao dịch BĐS.
Bên cạnh đó, do sàn giao dịch BĐS là một bên hưởng lợi ích trong quan hệ giao dịch nên không bảo đảm tính công khai, minh bạch; năng lực của các sàn giao dịch BĐS hiện nay chưa đủ khả năng bảo đảm tính an toàn pháp lý của giao dịch, chịu trách nhiệm với các bên trong trường hợp phát sinh tranh chấp.
"Việc bắt buộc giao dịch qua sàn giao dịch BĐS là không phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, cản trở quyền tự do kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng quy định của pháp luật để độc quyền, làm lũng đoạn thị trường, không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển thị trường BĐS lành mạnh, an toàn, bền vững", Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh và cho biết, Điều 6 dự thảo luật cũng đã có các quy định cụ thể về việc công khai thông tin của doanh nghiệp kinh doanh BĐS.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo luật đã được chỉnh sửa theo hướng bỏ quy định về các giao dịch BĐS thông qua sàn giao dịch BĐS nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư và khách hàng được tự do lựa chọn phương thức giao dịch.
"Dự thảo luật cũng bổ sung chính sách của Nhà nước đối với đầu tư kinh doanh BĐS, theo đó Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất thông qua sàn giao dịch BĐS. Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tổ chức, hoạt động của sàn giao dịch BĐS", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ.