Qua thời “cứ bỏ tiền vào đất là lãi tiền tỷ”

Những câu chuyện kiếm hàng trăm hàng tỷ đồng từ những thương vụ đầu tư bất động sản chớp nhoáng đã không còn thấy ai nhắc tới trong cuộc gặp gỡ ngày Tết như một năm trước. Thay vào đó, nhiều người đã tỏ ra lo lắng vì đất ế ẩm, trong khi đang gánh cả khối nợ.

Còn nhớ, Tết Nguyên đán năm 2022, tôi về quê (Nam Định) đi thăm từng nhà người thân, quen, họ hàng để hỏi thăm sức khỏe. Khi đó, tôi bất ngờ vì ai mở đầu câu chuyện cũng là những vấn đề liên quan tới “sốt đất”.

Bác H - một người bác của tôi đã sang tuổi tứ tuần, kinh doanh tạp hóa ở quê khoe, năm 2021 bắt đầu bén duyên với bất động sản. Trong cuộc trò chuyện với tôi dịp Tết 2022, bác H rất say sưa khi kể về những thương vụ đầu tư chớp nhoáng đã lãi vài trăm triệu đồng. Một vài thương vụ như thế, bác đã có cả tỷ đồng trong tay.

Bác H còn nói: “Đi buôn đất mới thấy thiên hạ họ kiếm tiền rất kinh khủng, mình cứ loanh quanh bán gói muối, chai nước mắm ở quê thì biết bao giờ mới giàu. Không chỉ bác mà rất nhiều người trong xóm mình cũng đi lướt sóng đất đã thắng quả lớn. Quả thật, bác thấy cứ bỏ tiền vào đất là lãi tiền tỷ”.

Thời điểm đó, anh Q - anh họ của tôi sinh sống và làm việc tại Nha Trang (Khánh Hòa), vốn là nhân viên của khách sạn với mức lương khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Do bị ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 nên bỏ việc và bắt đầu với nghề môi giới bất động sản.

Ngoài làm môi giới, anh Q còn liên tục mạnh tay đầu tư những lô đất có giá trị hàng tỷ đồng. Trong dịp về quê nghỉ Tết năm 2022, anh khoe, trong 1 năm đã nắm giữ được nhiều mảnh đất đất với tổng tài sản hàng chục tỷ đồng.

Hay người bạn học cùng thời Trung học Phổ thông của tôi là Kỹ sư Xây dựng, trong dịp họp lớp năm ngoái cũng chia sẻ, nhờ buôn vài lô đất mà nhanh chóng đổi đời, mua được ô tô xịn. Để thu được lợi nhuận lớn, bạn tôi đã sử dụng đòn bẩy tài chính ngân hàng tiếp tục mua nhiều lô đất khác.

Qua thời “cứ bỏ tiền vào đất là lãi tiền tỷ” - Ảnh 1.

Khi đó, ở quê tôi rất nhiều người mua được ô tô xịn, xây lại nhà khang trang đều nhờ thu lợi từ đất. Thậm chí, có những người còn đi tới các tỉnh lân cận như Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam,... để đầu tư đất. Họ đều chia sẻ việc kiếm vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng từ bất động sản là điều không quá khó.

Thế nhưng, tất cả chỉ là câu chuyện của quá khứ. Những câu chuyện liên quan tới bất động sản đã không còn được ai nhắc tới trong các cuộc gặp gỡ ngày Tết năm nay.

Bác H hiện cũng đã quay trở lại tập trung kinh doanh cửa hàng tạp hóa, phục vụ khách hàng trong dịp Tết. Khi được hỏi về tình hình đầu tư bất động sản, bác cười và nói: “Bất động sản bây giờ khó kiếm ăn lắm, bác còn đang chôn vốn ở 2 lô đất tổng giá trị 3 tỷ đồng. Bán đi thì thấy tiếc mà để lại bác chưa biết lúc nào sẽ thu hồi được vốn. Cũng may, chỉ có 500 triệu đồng là đi vay, vẫn trong khả năng chi trả của bác”.

Người bạn học cùng của tôi với gương mặt thất thần chia sẻ: “Đất cũng chỉ có thời, bây giờ khó bán lắm, tôi phải tập trung kiếm tiền ở nghề xây dựng để trả nợ 3 tỷ đồng cho 3 lô đất đang nắm giữ. Mỗi tháng cả lãi và gốc 30 triệu đồng, vượt quá tiền lương của tôi. Hiện tôi đang rao bán lỗ 2 lô để giải phóng áp lực tài chính, lô còn lại sẽ giữ lâu dài chờ được giá sẽ bán”.

Còn anh Q, do tiền đã chôn hết ở đất nên không thể về quê ăn Tết. Tâm sự qua điện thoại, anh chia sẻ: “Nếu bán hết đất đi thì vẫn hòa vốn nhưng bây giờ khó tìm người mua. Số tiền vay ngân hàng quá lớn, đất ôm nhiều anh đang đau đầu tìm cách để xoay sở. Anh không dám về quê vì sợ gia đình lo lắng thêm. Bây giờ du lịch mở cửa trở lại, anh cũng bỏ nghề môi giới để quay lại với công việc tại khách sạn, chỉ mong nhận lương đúng hạn, đủ chi tiêu sinh hoạt hàng ngày”.

Sau cơn “sốt đất”, dường như mọi người đều đã chấp nhận quay trở lại công việc kinh doanh sản xuất, những câu chuyện về mua bán đất đai không còn rôm rả như trước. Thị trường bất động sản đã thực sự giảm tốc. Những mảnh đất ở quê tôi trước kia tăng giá gấp 2 - 3 lần chỉ trong 1 năm nay đang phải giảm giá bán 30 - 50%. Tuy nhiên, cơn “sốt đất” đi qua khiến nhiều người dùng đòn bẩy tài chính quá sức đang chật vật với khối nợ.