Philippe Starck – Huyền thoại thiết kế thay đổi ngành khách sạn thế giới đã chọn hợp tác một dự án tại Việt Nam

Nhà thầu xây dựng Việt Nam đang đối mặt hàng loạt khó khăn khi giá vật liệu xây dựng tăng liên tiếp và chất chồng nợ đọng xây dựng. Doanh nghiệp than rơi vào tình trạng kiệt quệ nguy cơ phá sản khi không có tiền trả lãi ngân hàng, lương công nhân...

Bão giá chưa qua, nợ đọng ập tới

Trong xây dựng nhà ở, vật tư sắt thép, xi măng, gạch cát thường chiếm khoảng 30% tổng chi phí, nhân công chiếm 30%, còn lại 40% là vật tư hoàn thiện. Với giá vật tư xây dựng tăng như hiện nay, dẫn tới giá xây dựng nhà ở riêng phần thô từ 3,6 đến 3,8 triệu đồng/m2 hồi năm 2021, đã lên 5 - 6 triệu đồng/m2.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bày tỏ lo ngại, nếu tình trạng này kéo dài thì không ít công ty xây dựng có nguy cơ rơi vào tình trạng phá sản, do giá tăng đột ngột không thể điều chỉnh kịp giá chào thầu, từ đó cũng không điều chỉnh kịp giá thầu.

“Với các dự án mới, chủ đầu tư thường chốt một mức giá cố định, khi giá vật liệu leo thang, không ít nhà thầu rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu tiếp tục thi công sẽ càng làm càng lỗ, còn không làm sẽ mất uy tín, bị phạt hợp đồng, phạt chậm tiến độ”, ông Hải chia sẻ.

Để tháo gỡ khó khăn về nợ đọng, đại diện Tập đoàn Cienco4 kiến nghị chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán, ít nhất 30% giá trị khối lượng cuối cùng của dự án.

Không chỉ đối mặt với bão giá vật liệu, các nhà thầu còn đang trong tình cảnh lao đao bởi nợ đọng xây dựng kéo dài.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng Việt Nam, cho biết cả nước hiện có khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp nhà thầu xây dựng. Trong đó, khoảng 90% doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký trên dưới 100 tỷ đồng; số doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 1.000 tỷ đồng chưa nhiều.

Qua đó cho thấy, đại đa số là các doanh nghiệp nhỏ, ít vốn, dòng tiền để hoạt động chủ yếu là nguồn tạm ứng từ chủ đầu tư và vay ngân hàng, vốn tự có không nhiều.

Tình trạng nợ đọng trong xây dựng theo ông Hiệp, đến nay rất trầm trọng, khiến đa số các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng gặp khó khăn. Nhất là thời gian qua, giá vật liệu tăng mạnh.

Cũng theo ông Hiệp, nhiều doanh nghiệp vốn đăng ký chỉ hơn 100 tỷ đồng, nhưng nợ đọng lên đến vài chục tỷ đồng là điều bình thường. Còn những doanh nghiệp có vốn lớn hơn thì bị nợ đọng cũng nhiều hơn, lên đến cả nghìn tỷ đồng.

Nhà thầu xây dựng nợ đọng chồng chất: Hết ngưỡng chịu đựng? - Ảnh 1.

Nhà thầu xây dựng khổ vì bão giá và nợ đọng xây dựng Ảnh: Như Ý

“Dư nợ lớn trong ngành xây dựng nhiều như thế, trong khi vay lãi ngân hàng cao, các doanh nghiệp thầu xây dựng vốn ít, phải dựa vào vốn ngân hàng rất nhiều. Tình trạng nợ chồng nợ rất phổ biến, nhiều khi nói vui là doanh nghiệp thầu xây dựng cứ ráo mồ hôi là hết tiền. Nhà thầu xây dựng khổ vì làm cũng chết, không làm cũng chết, oằn mình trả lãi vay ngân hàng và lương công nhân. Thế nhưng chưa có thuốc đặc trị đối với vấn đề nợ đọng trong xây dựng”, ông Hiệp nói.

Còn đại diện Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn cho biết, nợ đọng của doanh nghiệp diễn ra ở các dự án, gói thầu đơn vị ký hợp đồng với Chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ… Nợ đọng không chỉ diễn ra trong 5 năm gần đây mà còn có những khoản nợ đọng kéo dài trên 10 năm, gây không ít hệ lụy cho doanh nghiệp.

“Hiện tại, chúng tôi có 1.280 hợp đồng có giá trị công nợ phải thu, gồm (382 hợp đồng đang theo dõi công nợ tại các đơn vị là công ty con, 119 hợp đồng xây lắp và 779 hợp đồng được theo dõi tại tổng công ty mẹ). Tổng số nợ phải thu tại thời điểm 31/3/2022 là: 1.539 tỷ đồng. Trong đó: Công nợ các công trình chủ đầu tư là đơn vị quản lý vốn Nhà nước là 1.004 tỷ, doanh nghiệp tư nhân là 535 tỷ đồng. Nợ từ 1 đến 3 năm là 506 tỷ đồng, nợ từ 3 đến 5 năm là 539 tỷ đồng, nợ trên 5 năm 149 tỷ đồng”, vị này cho hay.

Gỡ khó cách nào?

Tại cuộc làm việc mới đây với các nhà thầu, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, liên quan đến nợ đọng, Bộ Xây dựng cũng đã đánh động thực trạng. Hợp đồng, vướng nhất là hợp đồng đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói, pháp luật không cho điều chỉnh, nếu điều chỉnh phải thuộc trường hợp bất khả kháng…

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cho biết, đa số các nhà thầu xây dựng bị nợ đọng ở khoảng 20 - 25% giá trị khối lượng cuối của dự án. Cá biệt, có những dự án đã đưa vào sử dụng vài năm nhưng chưa quyết toán được.

Tình trạng này không chỉ xảy ra tại dự án vốn ngân sách mà còn cả vốn tư nhân, tại các công trình có chủ đầu tư năng lực tài chính yếu, muốn lợi dụng dòng vốn của người khác.

Trong khi đó, đa số các nhà thầu, chủ đầu tư đều không muốn đưa các vụ việc ra toà hoặc trọng tài kinh tế để giải quyết, tránh phức tạp thêm vấn đề hoặc bị mang tiếng.

“Chủ đầu tư luôn ở thế thượng phong trong đàm phán do là người nắm giữ kinh tế, việc làm đối với doanh nghiệp nhà thầu xây dựng. Nếu nhà thầu kiện, sẽ bị mang tiếng, khó trúng thầu trong các công trình sau đó, dễ đi đến tình trạng thiếu việc làm. Mà nếu được xử thắng thì việc đảm bảo thi hành án thế nào cũng là điều đáng băn khoăn”, ông Cận nói.

Về giải pháp lâu dài, ông Cận cho rằng, Chính phủ nên giao Bộ Xây dựng, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính… nghiên cứu về cơ chế bảo lãnh thanh toán đối với các công trình xây dựng. Còn trước mắt, các cơ quan chức năng cấp T.Ư và địa phương cần rà soát, thống kê, công bố những chủ đầu tư chậm trả nợ. Điều này, giúp tác động đến các chủ đầu tư sợ mất uy tín, làm ăn chuyên nghiệp, nghiêm túc hơn.