Phải giữ kỷ cương trật tự xây dựng!

Nhiều ý kiến cho rằng việc UBND TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau cho phép "biệt phủ" xây dựng không đúng quy định được tồn tại gần hết công trình sẽ tạo tiền lệ xấu trong việc lập lại trật tự xây dựng/

Liên quan vụ "biệt phủ đẹp nhất Cà Mau", vừa qua, UBND TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã ký quyết định sửa đổi, bổ sung một phần quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hồ An T. Theo quyết định này, toàn bộ nhà chính, nhà phụ, nhà gỗ… với diện tích 2.261,58 m2 được chuyển đổi mục đích sử dụng từ nuôi trồng thủy sản lên đất ở.

Đúng quy định pháp luật (!)

Ngày 29-1, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Bùi Tứ Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Cà Mau, cho hay quyết định sửa đổi, bổ sung một phần quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hồ An T. (ngụ xã Tân Thành, TP Cà Mau) là đúng quy định pháp luật.

Khi phóng viên đặt vấn đề vì sao UBND TP Cà Mau trước đó đã xây dựng kế hoạch cưỡng chế căn biệt thự của ông T. nhưng nay lại có quyết định mới là cho tồn tại gần hết công trình vi phạm, ông Hải nói: "Đâu có sự thay đổi gì, trước đó làm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sau khi rà soát lại kế hoạch, quy hoạch, văn bản hiện có và ý kiến các sở, ngành thì có những cái không nắm hết nên giờ xử lý theo quy định pháp luật thôi".

Ông T. là người đại diện của doanh nghiệp có địa chỉ tại xã Tân Thành. Theo người dân địa phương, ông T. thành công nhờ kinh doanh màng, bạt chống thấm phục vụ nuôi tôm thẻ chân trắng.

Trước đó, cộng đồng mạng "dậy sóng" khi tài khoản Facebook Ho Tap liên tục đăng tải hình ảnh, clip… về quá trình xây dựng tòa nhà được giới thiệu là "biệt phủ đẹp nhất Cà Mau". Cuối năm 2022, ngành chức năng phát hiện "biệt phủ" của ông T. vi phạm quy hoạch xây dựng khi vào cuộc kiểm tra. Tại thời điểm này, công trình bao gồm khối nhà chính có diện tích xây dựng 294,79 m2, 3 tầng (đã hoàn thành khoảng 90%), nhà cặp hàng rào diện tích xây dựng 339,74 m2...

Sau đó, chủ tịch UBND TP Cà Mau đã ban hành Quyết định 82/QĐ-XPHC ngày 9-1-2023 xử phạt 22,5 triệu đồng và buộc khôi phục hiện trạng ban đầu là đất nuôi trồng thủy sản. Khi thời hạn cho chủ hộ tự tháo dỡ đã hết, ngành chức năng TP Cà Mau đã xin phương án cưỡng chế căn "biệt phủ" và xem xét xử lý trách nhiệm cán bộ liên quan dẫn đến sai phạm trên.

Hơn một tháng sau khi có quyết định này, ngành chức năng Cà Mau đã có quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất mới tại khu vực trên. Lúc này, đất xây dựng "biệt phủ" của ông T. đã thay đổi từ chỗ đất nuôi trồng thủy sản, đất quy hoạch nông thôn mới được thay đổi một phần thành đất ở nông thôn.

Nói về lý do xây dựng không đúng quy định, ông T. cho hay do không am hiểu về pháp luật nên xây dựng nhà trên đất nuôi trồng thủy sản.

Phải giữ kỷ cương trật tự xây dựng! - Ảnh 1.

“Biệt phủ” của ông Hồ An T. ở TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) xây dựng không đúng quy định trên đất nuôi trồng thủy sản được cho tồn tại gần hết công trình đã gây nhiều lo ngại cho người dân. Ảnh: VÂN DU

Cần xử lý nghiêm

Thông tin "căn biệt phủ đẹp nhất Cà Mau" xây dựng không đúng quy định được tồn tại gần hết công trình khiến nhiều người lo lắng vì quyết định này sẽ tạo tiền lệ xấu về sau. Ông H.H.T (ngụ TP Cà Mau) cho rằng căn "biệt phủ" xây dựng không đúng quy định nhưng được cho tồn tại gần hết công trình là cần phải xem xét lại và đặt ra nghi vấn "nếu nhà không có tiền chắc đã bị cưỡng chế".

"Tôi sợ sau vụ việc này, người dân biết cất nhà trên đất nuôi trồng thủy sản là sai nhưng họ vẫn cố tình xây dựng. Bởi lẽ, họ cho rằng trường hợp căn "biệt phủ" của ông Hồ An T. xây dựng không đúng quy định vẫn có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì mình xây dựng có vi phạm cũng bị xử lý tương tự. Tôi mong muốn ngành chức năng cần xem xét lại quyết định của mình để bảo đảm tính công bằng trong thực thi pháp luật" - ông T. kiến nghị.

Theo đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn TP Hà Nội), việc các công trình vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng nói chung hay như trường hợp "biệt phủ ở Cà Mau" nói riêng nếu được hợp thức hóa sẽ là tiền lệ xấu. "Kỷ cương phép nước phải được tuân thủ. Các quy định đã rõ, những vi phạm tại công trình "biệt phủ ở Cà Mau" cần phải được xử lý nghiêm theo quy định, không nên hợp thức hóa vi phạm. Nếu tất cả các công trình vi phạm tương tự trên cả nước đều được hợp thức hóa thì sẽ thế nào?" - ông Cừ nói.

Đại biểu Trương Xuân Cừ đề nghị các cơ quan chức năng như UBND tỉnh Cà Mau, Sở Xây dựng tỉnh... cần vào cuộc xem xét lại toàn diện các vấn đề liên quan đến việc hợp thức hóa vi phạm tại "biệt phủ ở Cà Mau".

Tại Hà Nội, Sở Xây dựng thành phố cho biết trên địa bàn hiện có hàng ngàn công trình vi phạm trật tự xây dựng, trong đó có nhiều công trình vi phạm nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân. Ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội, cho biết sở đã đề xuất thành phố giao cho sở tham mưu biện pháp xử lý các công trình vi phạm, đồng thời xem xét trách nhiệm đối với những đơn vị không triển khai hoặc thực hiện không đầy đủ các nội dung theo kế hoạch. Xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ khi để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng trên địa bàn.

Tháo dỡ công trình xây dựng trái phép ở Phú Quốc

Ngày 29-1, ông Vũ Mạnh Hùng - chủ tòa nhà 12 tầng xây dựng trái phép tại xã Dương Tơ, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang - đã tự nguyện tháo dỡ phần công trình vi phạm. Theo ghi nhận tại hiện trường, chủ tòa nhà này đã thuê một đơn vị chuyên nghiệp, đưa máy móc, thiết bị vào tháo dỡ phần công trình vi phạm từ sáng cùng ngày.

Trước đó, ngày 6-12-2023, ông Hùng có đơn xin tự khắc phục tháo dỡ công trình vi phạm gửi UBND TP Phú Quốc và các cơ quan chức năng. Sau đó, UBND TP Phú Quốc ký văn bản chấp thuận và chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị chủ trì, phối hợp Đội Kiểm tra trật tự đô thị và UBND xã Dương Tơ theo dõi, hướng dẫn ông Hùng tháo dỡ phần công trình vi phạm trước ngày 1-6-2024.

D.Nhân