Dạo quanh khu trung tâm quận 1 những ngày cận Tết Nguyên đán, chúng tôi thật sự bất ngờ khi thấy các tuyến đường Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu, Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn… vài tháng trước còn chi chít bảng dán "cho thuê nhà", "cho thuê mặt bằng" thì nay gần như đã lấp đầy trở lại.
Thay đổi bất ngờ
Nhiều cửa hàng đã khai trương và mở cửa kinh doanh từ 1-2 tháng trước, khách ra vào khá nhộn nhịp. Một số khác đã hoàn thành, đang chờ ngày mở cửa chính thức và cũng có không ít cửa tiệm đang được gấp rút hoàn thiện để kịp khai trương trước Tết Nguyên đán. Một nhân công tên Tuấn, đang thi công cửa hàng bán thời trang, trang sức từ Hàn Quốc ngay mặt tiền đường Lý Tự Trọng (quận 1), cho biết phần nội thất cơ bản đã hoàn chỉnh, chỉ còn mặt tiền đang chỉnh lại màu sơn để kịp khai trương vài ngày tới.
Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn các cửa hiệu mới và sắp sửa hoạt động ở khu trung tâm quận 1 chủ yếu kinh doanh thời trang, phụ kiện, nhà hàng ăn uống, cửa hàng tiện lợi và một số dịch vụ, giải trí. Những người bán hàng dọc các tuyến đường Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu cho biết mặt bằng cho thuê khu vực này bắt đầu khởi sắc khoảng 2-3 tháng nay. Đặc biệt, những tuần đầu tháng 1, có nhiều cửa hàng khai trương, khách tới lui tấp nập.
Anh Trần Anh Thái, một người môi giới bất động sản ở khu vực trung tâm quận 1, cho biết sau hơn 2 năm ế ẩm, nhiều chủ mặt bằng "gồng" hết nổi nên chấp nhận hạ giá để có khách thuê. Giá thuê hiện đã giảm khoảng 15%-20% so với trước đại dịch. Ví dụ, mặt bằng khu Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu trước đây giá thuê tới 230-250 triệu đồng/tháng thì nay chỉ tầm 180-200 triệu đồng/tháng. Nhiều chủ nhà cũng đồng ý nhận cọc một tháng chứ không yêu cầu đặt cọc 2-3 tháng như trước đây.
Trao đổi với chúng tôi, chủ một thương hiệu ăn uống (FB) vừa khai trương nhà hàng trên đường Hồ Tùng Mậu cho rằng thời điểm này, chỉ có các start-up (khởi nghiệp) hay những đơn vị kinh doanh nhỏ còn chưa mạnh dạn trở lại thị trường vì bài toán chi phí nhưng với các nhãn hàng, hệ thống lớn thì thời điểm hiện tại đã là đáy của thị trường, là cơ hội tốt nhất để lựa chọn mặt bằng ưng ý và giá thuê tốt để mở rộng kinh doanh. Bởi, nếu không chờ thị trường khởi sắc, ai cũng tranh nhau thuê sẽ mất cơ hội.
Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch HĐQT VNO Group, doanh nghiệp chuyên đầu tư, quản lý và vận hành văn phòng cho thuê tại TP HCM, tín hiệu khởi sắc của mặt bằng bán lẻ đã bắt đầu từ quý III/2023, khi một số cửa hàng, thương hiệu lớn trong và ngoài nước bắt đầu "khởi động lại" sau thời gian nằm chờ khá dài. Tuy nhiên, theo ông Hải, chỉ những mặt bằng có môi giới chuyên nghiệp, tư vấn nhiệt tình và chủ nhà có thiện chí mới tìm được khách thuê, còn những chủ nhà cứ khư khư giữ giá rất khó tìm được khách thuê.
Mặt bằng thương mại tăng giá
Ngoài các mặt bằng cho thuê trên các tuyến đường, mặt bằng bán lẻ ở các trung tâm thương mại thời gian qua cũng có sự khởi sắc rõ rệt. Một thống kê cho biết năm 2023 vừa qua có tới hơn 30 thương hiệu mở mới và mở thêm tại Việt Nam. Trong đó có nhiều thương hiệu lớn của thế giới như UNIQLO, HM, Hublot, MiniSo, Cotti Coffee, Runway, Shuyi...
Theo Cushman Wakefield, mặc dù trong bối cảnh mua sắm đa kênh phát triển mạnh mẽ, các nhà bán lẻ cũng như các chủ đầu tư ngày càng chú trọng đến việc kiến tạo không gian mua sắm nhằm mang đến những trải nghiệm thoải mái, đa dạng cho khách hàng cảm nhận sản phẩm, song song với việc phát triển những kênh mua sắm trực tuyến nhằm tối đa hóa doanh thu.
Báo cáo mới nhất của Cushman Wakefield về mặt bằng bán lẻ cho thấy quý cuối cùng của năm 2023, tỉ lệ lấp đầy ở các trung tâm thương mại đạt gần 90%, tăng 0,2 điểm phần trăm so quý trước và tăng 1,9 điểm phần trăm so cùng kỳ. Đặc biệt, giá thuê mặt bằng không giảm mà còn tăng 2,1% theo quý và tăng đến 7,6% theo năm, đạt trung bình 53,1 USD/m2/tháng. Giá thuê tăng chủ yếu đến từ 2 dự án mới khai trương ở TP HCM là Hùng Vương Plaza (quận 5) và Thiso Mall Trường Chinh - Phan Huy Ích (quận Gò Vấp).
Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, nhận định thị trường bán lẻ tại TP HCM nói riêng và nền kinh tế nội địa nói chung đang phát triển tốt, đặc biệt là lĩnh vực FB và giải trí. "Theo ghi nhận của Savills, thị trường bán lẻ hiện đại như các cửa hàng bách hóa, trung tâm mua sắm và nền tảng bán lẻ đang giao dịch rất tốt. Giá thuê và tỉ lệ lấp đầy đều mạnh mẽ" - ông Troy Griffiths thông tin.
Tuy vậy, đang có sự thay đổi ở các cửa hàng truyền thống hoặc chợ truyền thống theo hướng khó khăn hơn do ngày càng nhiều mô hình bán lẻ mới nổi lên. Do đó, trong tương lai, những cửa hàng mua sắm truyền thống sẽ tiếp tục được thay thế bằng những mô hình hiện đại hơn để thu hút người tiêu dùng. Điều này buộc các chủ mặt bằng phải tham gia vào quá trình phát triển tài sản của mình hoặc định vị lại để hấp dẫn khách thuê và người tiêu dùng.
Theo Cushman Wakefield, dự kiến nguồn cung mặt bằng thương mại ở TP HCM giai đoạn 2024-2026 sẽ tiếp tục tăng với diện tích 112.000 m2 trong năm 2024 và 97.400 m2 năm 2025… khi hiện có hơn 4 trung tâm thương mại cả trong và ngoài khu vực trung tâm có kế hoạch cải tạo, mở rộng trong năm 2024.