Nước giàu nhất châu Âu khủng hoảng BĐS: Căn hộ mới được bán với giá hơn 300 triệu đồng/m2, có người chờ 5 năm mới tiếp cận được nhà ở xã hội

Khủng hoảng bất động sản dai dẳng khiến quốc gia được coi là giàu nhất EU đối mặt với tình trạng giá nhà tăng phi mã.
Nước giàu nhất châu Âu khủng hoảng BĐS: Căn hộ mới được bán với giá hơn 300 triệu đồng/m2, có người chờ 5 năm mới tiếp cận được nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Tâm sự với phóng viên, Pascale Zaourou, người phụ nữ đang sống tại Luxembourg, cho biết bà đã phải đợi 5 năm mới có thể tiếp cận khu nhà ở xã hội. Khủng hoảng bất động sản dai dẳng khiến quốc gia được coi là giàu nhất EU này đối mặt với tình trạng giá nhà tăng phi mã.

“Thuê một căn hộ hai phòng có giá ít nhất 2.000 euro. Điều này khó vô cùng nếu nhà chỉ có một nguồn thu nhập”, bà Pascale Zaourou nói. “Nhà ở giá rẻ đang khan hiếm, đặc biệt đối với những người trẻ và các gia đình đơn thân”.

Được biết, kinh tế Luxembourg chủ yếu dựa vào các dịch vụ tài chính. Thu nhập bình quân dân lao động nước này rơi vào khoảng 47.000 euro/năm vào năm 2022, song trong một thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, mức thu nhập thuộc diện cao nhất khối EU trên cũng khó lòng bù đắp.

“Ngày càng có nhiều người Luxembourg chuyển sang sống tại Đức, Bỉ hoặc Pháp chỉ vì giá thuê và giá bất động sản ở đó thấp hơn”, ông Antoine Paccoud, nhà nghiên cứu tại Housing Observatory, nói.

Tại thủ đô của Luxembourg, những căn hộ xây mới được bán với giá 13.000 euro/m2 (hơn 300 triệu đồng), Căn hộ cũ thì được bán với giá 10.700 euro/m2 (gần 280 triệu đồng), trong khi giá trung bình của một ngôi nhà rơi vào khoảng 1,5 triệu euro (gần 40 tỷ đồng). Giá thuê cũng tăng 6,7% trong khoảng thời gian từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2023, nhanh hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát.

Theo ông Philippe Poirier, nhà phân tích chính trị tại Đại học Luxembourg, nhà ở hiện đã trở thành vấn đề cấp bách tại các cuộc bầu cử. Tình trạng khan hiếm nhà ở, chi phí xây dựng, thuê nhà tăng cao khiến giới chức nước này đau đầu.

Nhà ở giá rẻ hiện đang được đẩy mạnh đầu tư tại Luxembourg, song theo các chuyên gia, bài toán xoay quanh lĩnh vực bất động sản đã ăn sâu và không dễ thay đổi.

“0,5% dân số, tương đương 3000 người, sở hữu tới nửa số đất có thể xây dựng. Tuy nhiên, họ chỉ để không đất vì giá đang tăng lên”, ông Antoine Paccoud nói.

Cơ hội kinh tế tại Luxembourg thu hút nhiều lao động nước ngoài. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chi phí nhà ở tăng lên trong khi nguồn cung vốn đã hạn chế. Khoảng nửa số người đang sống ở Luxembourg không phải là công dân nước này.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cảnh báo về “những dấu hiệu dễ bị tổn thương” trong lĩnh vực bất động sản sau khi chứng kiến thanh khoản thị trường sụt giảm. Cơ quan này đã kêu gọi các biện pháp hạn chế mới đối với quỹ bất động sản thương mại nhằm giảm thiểu rủi ro về một cuộc khủng hoảng nhà đất.

“Sau khi ngân hàng SVB sụp đổ còn ngân hàng Credit Suisse kêu cứu, một số nhà đầu tư e ngại giai đoạn tiếp theo của cuộc khủng hoảng có thể gây áp lực lên thị trường bất động sản thương mại, nếu các ngân hàng hạn chế cho vay”, tờ Guardian nhận định.

Dẫu vậy, EU vẫn còn nhiều tia hy vọng khi mới đây, theo FT, giá nhà trung bình trên toàn khu vực đã giảm 1,1% so với một năm trước đó. Mức giảm giá nhà hàng năm lớn nhất ở Đức với 9,9%, 7,6% ở Đan Mạch và 6,8% ở Thụy Điển.

“Không có gì ngạc nhiên khi giá nhà ở Đức giảm gần 10% trong năm qua. Đó là dấu hiệu rõ ràng rằng ở một số nơi nhà được định giá quá cao và cần được điều chỉnh”, ông Luis de Guindos, phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nói.

Theo : Euro News

.