Theo đó, CTD quyết định thành lập công ty Coteccons Constructions Inc để thực hiện các hoạt động liên quan đến xây dựng: cung cấp dịch vụ xây dựng.
Hình thức đầu tư ra nước ngoài là bằng tiền. Nguồn vốn đầu tư là vốn chủ sở hữu, không sử dụng vốn vay.
Trong Nghị quyết không nói rõ về số tiền đầu tư cũng như quốc gia thực hiện dự án.
Tính đến hết ngày 30/6/2023, theo BCTC công bố, CTD có 2 công ty con trực tiếp và 5 công ty con sở hữu gián tiếp, trong đó chưa có doanh nghiệp nào nằm ở nước ngoài.
Để chuẩn bị cho việc đầu tư ra nước ngoài, về mặt nhân sự, vào tháng 8, HĐQT Coteccons đã thông qua việc phân công lại nhiệm vụ mới đối với các nhân sự cấp cao, mục đích là "để công ty thích ứng với những thay đổi của thị trường và gia tăng lợi thế cạnh tranh".
Ông Chris Senekki, Phó Tổng Giám Đốc sẽ đảm nhận nhiệm vụ mở rộng kinh doanh của Coteccons và các công ty con ra thị trường quốc tế. Bên cạnh thị trường nước ngoài, ông Chris Senekki vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ mảng phát triển kinh doanh các dự án vốn đầu tư nước ngoài của Coteccons tại thị trường Việt Nam.
Ông Chris Senekki, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Turner Việt Nam gia nhập Coteccons từ tháng 4 năm 2021. Trước đó, ông Chris Senekki có hơn 22 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, nổi bật với nhiều dự án quốc tế và trong nước như: khu dầu khí Qatar, Cảng, bến du thuyền và sân bay quốc tế Cyprus (Síp), Porsche Autohaus (HCM), khách sạn Hilton Saigon...
Việc chinh phục các thị trường nước ngoài có thể giúp Doanh nghiệp xây dựng cải thiện biên lợi nhuận cũng như giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường BĐS trong nước giai đoạn khó khăn.
Không chỉ CTD, phát triển thị trường nước ngoài cũng là mục tiêu của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã CP: HBC). Chia sẻ trong một hội nghị hồi tháng 8 năm ngoái, lãnh đạo HBC cho biết, 4 thị trường mà Hoà Bình hướng đến là Canada, Australia, Mỹ, châu Âu. Các thị trường này có môi trường kinh doanh tốt, tốc độ tăng trưởng nhà ở cao và đặc biệt, giá xây dựng rất cao.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT HBC cũng chia sẻ: " Thị trường xây dựng thế giới hiện nay có giá trị lên đến khoảng 12.000 tỷ USD và theo dự báo đến năm 2030 sẽ lên đến 19.000 tỷ USD, trong khi xây dựng Việt Nam trong những năm gần đây chỉ khoảng từ 50 đến 60 tỷ USD. Trong khi đó, lợi thế của Việt Nam hiện nay là số lượng kỹ sư xây dựng Việt Nam rất dồi dào, gấp 3 lần mức trung bình của thế giới. Nếu chúng ta chiếm lấy 3% thị trường xây dựng toàn cầu thì quy mô doanh số là rất lớn" .
Lãnh đạo tập đoàn kỳ vọng giá xây dựng cao sẽ giúp tăng doanh thu và lợi nhuận từ nước ngoài sẽ đóng góp lớn hơn cho Hòa Bình. Ví dụ, nếu so sánh cùng một tòa nhà xây dựng ở Việt Nam với một tòa nhà ở Australia, doanh thu của Hòa Bình sẽ tăng gấp 7-8 lần và lợi nhuận đạt được cao gấp 15-20 lần.
Để đầu tư ở một quốc gia mới, Hòa Bình dự kiến triển khai 3 hướng: (1) Không đầu tư vào dự án, (2) Tham gia với tư cách là nhà đồng phát triển dự án, (3) Mua lại công ty xây dựng đang hoạt động ở địa phương.
Tuy nhiên, do những khó khăn trong hoạt động kinh doanh trong nước, mục tiêu tiến ra "biển lớn" của Hoà Bình vẫn chưa có nhiều động thái, ngoại trừ một số hợp đồng nguyên tắc hoặc biên bản thoả thuận ký với các đối tác bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.