Nỗi lòng chủ nhà giữa mùa dịch: “Không giảm giá thuê thì bị mắng chửi, nhưng chúng tôi nợ ngập đầu thì ai hiểu cho đâu”

Nhiều chủ nhà cho biết, trên thực tế không phải họ không muốn giảm giá thuê cho người bị mất việc, mà thực tế bản thân họ cũng đang phải gồng nợ ngân hàng, ngần ấy thu nhập từ tiền thuê nhà cũng chỉ đủ để chi tiêu sinh hoạt.

Câu chuyện chủ nhà trọ giảm giá cho thuê cho khách giữa mùa dịch là vấn đề gây tranh cãi khá nhiều trên mạng xã hội. Thực tế thời gian vừa qua, rất nhiều chủ nhà, chủ cho thuê mặt bằng đã có những câu chuyện cảm động như giảm từ 30-50% tiền thuê nhà, mặt bằng… để chia sẻ bớt khó khăn cho người thuê giữa thời điểm dịch bệnh bùng phát. Thậm chí, nhiều chủ nhà còn miễn phí hẳn 100% phí thuê cho toàn bộ các phòng trọ để giảm tải áp lực chi phí sinh hoạt trong mùa dịch cho người thuê nhà.

Bên cạnh đó, những câu chuyện về việc chủ nhà trọ bán hàng với giá cực rẻ cho khách thuê, hoặc chủ nhà sẵn sàng bỏ tiền túi nấu cơm cho cả khu trọ ăn, tặng khoai lang, tặng trái cây và rất nhiều vật dụng khác… cho người thuê nhà đã lay động cảm xúc của nhiều người.

Về phân khúc mặt bằng cho thuê cũng tương tự, không ít chủ nhà đã giảm phân nửa tiền thuê mặt bằng cho những chủ shop, chủ nhà hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thậm chí có người chấp nhận 70% tiền thuê trong dịch.

Tuy nhiên, giữa những câu chuyện đẹp đó thì cũng rất nhiều chủ nhà, chủ mặt bằng không đồng ý giảm chi phí, hoặc chỉ giảm rất ít 5-10% như một cách để hỗ trợ chút ít. Trước tình cảnh này, nhiều người cho rằng đó là hành động "vô tâm" của những người chủ nhà, chủ mặt bằng. Thậm chí, nhiều khách thuê sau khi xin chủ nhà nhà giảm chi phí không có kết quả liền quay qua đăng tải lên mạng xã hội để kể lể, than trách, khiến các chủ nhà bị mắng chửi bằng những câu nói khó nghe.

Nỗi lòng chủ nhà giữa mùa dịch: “Không giảm giá thuê thì bị mắng chửi, nhưng chúng tôi nợ ngập đầu thì ai hiểu cho đâu” - Ảnh 1.

Trước đó, cũng không ít khách thuê sau nhiều tháng nợ tiền phòng, bị chủ nhà mạnh tay đuổi ra khỏi nhà thì đã đăng tải lên mạng xã hội. Họ cho rằng chủ nhà trọ không có tình người khi nỡ lòng đuổi khách thuê ra đường giữa tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay.

Tuy nhiên, trên thực tế nếu có thể trao đổi trực tiếp với một số chủ nhà, ai cũng sẽ hiểu rằng đây là câu chuyện không ai mong muốn. Có rất nhiều chủ nhà phải gồng gánh nhiều khoản nợ, kèm theo việc chính bản thân họ cũng mất thu nhập trong khi dịch bệnh ập đến nên chỉ biết trông chờ vào tiền thuê nhà là nguồn sống duy nhất của cả gia đình.

Thậm chí, nhiều người mua nhà, mua mặt bằng bằng chính tiền vay ngân hàng, mỗi tháng họ phải dùng chính khoản tiền thuê nhà đó để trả lãi và gốc cho ngân hàng. Do đó, nếu giảm cho người thuê, đồng nghĩa họ lâm vào thế khó vì không đủ chi phí sinh hoạt cũng như gồng gánh nợ nần.

Bà Trần T.N., chủ của một khu nhà trọ cho thuê ở quận Tân Bình (Tp.HCM) cho biết: "Cả gia đình tôi 5 người lớn, 2 trẻ em có một khu trọ gồm 8 phòng cho thuê, với giá 2 triệu đồng mỗi phòng thì hàng tháng tôi có thể thu về 16 triệu đồng. Trước đây, các thành viên trong gia đình người thì buôn bán, người thì làm công ăn lương nên khoản tiền này tôi dùng để trả nợ cho người thân lúc vay mua nhà, còn tiền chúng tôi làm ra thì để trang trải phí sinh hoạt. Do đó, 2 đợt dịch trước tôi đã giảm tiền thuê cho khách gần 30%.

Tuy nhiên, từ khi dịch ập đến, mọi người không buôn bán được nhiều như trước, con gái tôi lại bị bệnh đau yếu liên miên nên cả gia đình gần như mất hết thu nhập. Lúc này nguồn sống duy nhất của cả nhà là 16 triệu đồng tiền cho thuê trọ mỗi tháng. Với một gia đình 5, 6 người, lại có người đau ốm nên khoản phí này không là bao. Do đó, từ tháng 6 lại nay mặc dù dịch ảnh hưởng nặng nề, biết rõ nhiều người không có thu nhập nhưng tôi không thể giảm tiền thuê nhà cho họ, vì giảm cho họ rồi chúng tôi lấy gì để sống", bà N. tâm sự.

Cũng theo bà N., khó khăn vì dịch là ai cũng phải trải qua, với những gia đình có hoàn cảnh khá giả, không phụ thuộc vào tiền cho thuê bất động sản thì họ có thể thoải mái giảm giá, nếu là bà N. thì bà cũng chấp nhận miễn 100% cho khách thuê mất việc vì dịch. Tuy nhiên, đó là tuy vào trường hợp của mỗi người, không thể đánh đồng rằng người không giảm phí thuê nhà là không thấu hiểu, thờ ơ với khó khăn của khách thuê.

Tương tự, các chủ mặt bằng mặc dù mỗi tháng số tiền từ mặt bằng thu về không nhỏ, nhưng không ít người lại dùng số vốn đó để kinh doanh, hoặc đầu tư bất động sản. Khi dịch bùng phát, tất cả mọi nguồn tiền đều đứng im thì những chủ mặt bằng này cũng phải tận dụng nguồn tiền từ các khoản cho thuê để duy trì chi phí sinh hoạt.

Do đó, chỉ một số chủ mặt bằng có thể giảm giá từ 50-70%, số còn lại giảm từ 30-50%, còn một số chủ mặt bằng phải chấp nhận "nói không" với việc giảm giá dù cho biết rõ khách thuê cũng rất khó khăn vì dịch.