Nỗi khổ của môi giới BĐS và những cay đắng trong nghề mà không ai hiểu thấu

Ăn mặc đẹp đẽ, ngày ngày ngồi quán café nhưng thực chất môi giới bất động sản cũng có những nỗi khổ riêng. Thậm chí, đôi lúc họ phải làm “bia đỡ đạn” cho chủ đầu tư mỗi khi dự án xảy ra tranh chấp.

Dù túi rỗng vẫn phải ăn mặc thật đẹp, luôn có tiền mời khách hàng uống cafe

Trước đây, môi giới bất động sản được nhận diện bằng tên gọi khá quen thuộc là "cò". Mỗi khu vực đều có rất đông "cò nhà đất" hoạt động. Với họ, đây không chỉ việc làm khi rảnh rỗi mà thực chất là công việc mang lại thu nhập chính. Cò đất làm nhiệm vụ dắt khách đi xem nhà đất, hoặc tìm kiếm xung quanh khu vực đó cứ nơi nào có ai bán nhà đất là ghi nhận thông tin, và bằng mọi cách để đưa thông tin rao bán này đến với người có nhu cầu.

Qua thời gian, khi thị trường bất động sản phát triển hơn với nhiều dự án ra mắt, thì "cò đất" được đổi sang cái tên gọi khác "sang chảnh" hơn là môi giới bất động sản. Để thu hút khách hàng, môi giới thường phải tự định vị cho mình một hình ảnh đẹp, lúc nào cũng trau chuốt quần áo, sáng sáng mặc đồ lịch sự ra đường, tối tối xách "cặp táp" về nhà như một doanh nhân, dù cho cả ngày hôm đó thực tế chẳng kiếm ra đồng thu nào.

Đã là môi giới thì luôn luôn phải chiều khách hàng, chỉ cần khách hàng gọi điện, nhắn tin là lập tức gọi lại ngay. Nhiều người nói vui, "môi giới có thể ăn mì tôm nhưng tiền điện thoại thì không bao giờ được thiếu", môi giới có thể thiếu tiền thuê nhà, nhưng quần áo lúc nào cũng phải đẹp đẽ, lịch sự. Bởi nếu ăn mặc không gọn gàng, đẹp đẽ thì không thể tạo thiện cảm với khách hàng.

Nỗi khổ của môi giới BĐS và những cay đắng trong nghề mà không ai hiểu thấu - Ảnh 1.

Ảnh: Minh hoạ

Thậm chí, nhiều môi giới cho biết có khi cả tháng không có đồng thu nào nhưng vẫn phải mời khách hàng uống nước, gọi điện thoại chăm sóc liên tục, đôi khi tiền điện thoại và tiền café mời khách hàng cũng quá luôn khoản thu nhập của tháng đó.

Môi giới làm "bia đỡ đạn" cho chủ đầu tư

Có một nỗi khổ mà không ai hiểu cho môi giới, đó là luôn phải đứng ra làm bia đỡ đạn cho chủ đầu tư. Trong khi trên thực tế họ chỉ là những người bán hàng, nhưng khi xảy ra sự việc thì khách hàng chỉ tìm môi giới để "chửi bới, trách móc".

Anh L.M.T, một môi giới bất động sản ở Tp.HCM cho biết, môi giới thường là những người làm nghề tay ngang. Thậm chí nhiều người chỉ tốt nghiệp THPT nên thực tế kiến thức của họ không nhiều. Thông qua thời gian được chủ đầu tư hoặc các sàn đào tạo, môi giới dần trở thành người linh hoạt, ăn nói lưu loát có thể truyền tải thông tin đến khách hàng tốt nhất. Nhưng đa phần họ cũng chỉ nghe theo chủ đầu tư hoặc nhận thông tin từ công ty phân phối độc quyền nên không đủ khả năng nhận biết một dự án như thế nào là rủi ro đối với khách hàng.

"Chủ đầu tư nói dự án đã đủ pháp lý, cứ yên tâm mà bán, họ còn khẳng định là không có lùm xùm gì xảy ra nên chúng tôi cứ thế truyền tải đến khách hàng thôi. Còn thị trường có rất nhiều lý do bất khả kháng, khi sự việc xảy ra chính môi giới chúng tôi cũng không thể ngờ trước. Trong khi đó, khách hàng thì cứ kiếm chúng tôi, cho rằng môi giới lừa đảo, bán hàng không có tâm, bán chỉ để lấy tiền hoa hồng rồi ‘phủi trách nhiệm’", anh T. cho hay.

Cũng theo anh T., khi dự án xảy ra lùm xùm về pháp lý hoặc không hoàn thành tiến độ như kỳ vọng, khi đó khách hàng lại trách móc môi giới. Bởi họ tìm chủ đầu tư phải qua nhiều bước, nhiều đơn thư rất phức tạp… nên trước mắt khách hàng sẽ mắng chửi môi giới cho hả giận.

Nghề bấp bênh?

Nhiều người cho rằng môi giới là nghề lắm tiền nhiều của, được ăn ngon mặc đẹp, nhưng đó chỉ là khi môi giới phải đi gặp gỡ khách hàng. Còn những lúc họ phải chường mặt ra ngoài đường chịu nắng mưa thì không mấy ai nhìn thấy. Làm một nghề cũng chịu nhiều áp lực không kém các nghề khác, nhưng nhiều môi giới cho biết thực tế thu nhập của nghề này không như mọi người vẫn nghĩ.

Mặc dù hoa hồng của các sản phẩm thường khá cao, tính bằng tiền chục, tiền trăm, nhưng tỷ lệ cạnh tranh ở nghề là rất lớn. Để bán được 1 sản phẩm, môi giới phải chật vật chạy vạy khắp nơi để tìm kiếm khách hàng. Chỉ cần có khách hàng quan tâm, môi giới sẵn sàng "phi xe" từ đầu Đông đến đầu Tây chỉ để mời khách hàng café nhằm tư vấn về sản phẩm. Tuy nhiên, tư vấn chỉ là hình thức gặp gỡ ban đầu, để đi đến bước cuối cùng chốt được sản phẩm là rất nhiêu khê. Thậm chí, có những thời điểm môi giới gặp tới 20 khách hàng nhưng cuối cùng vẫn không có ai chốt cọc.

Một khi thị trường cạnh tranh khốc liệt, thì môi giới càng khó bán sản phẩm hơn. Trong khi trước đó, chính môi giới đã phải chi rất nhiều tiền để thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng bá cho sản phẩm trên mạng xã hội và mạng Internet. Thậm chí, dù bán xong sản phẩm cũng chưa chắc được chủ đầu tư trả phí ngay mà phải chờ thời gian dài.

"Khó khăn khiến chúng tôi nhiều lúc nản chí, muốn bỏ nghề, nhưng trót theo thì phải theo vì bỏ nghề cũng không biết làm gì hơn để kiếm tiền lo cho gia đình. Trong khi đó, dự án thì ngày càng ít ỏi, số lượng môi giới thì ngày một tăng lên nên mức độ cạnh tranh ở nghề này là gay gắt. Nhiều người không hiểu cứ cho là môi giới nhiều tiền, nhưng có khi chúng tôi bán 1 sản phẩm và để dành hoa hồng đó ăn tiêu trong 2 - 3 tháng. Còn trong thời điểm dịch bệnh như thế này, có những môi giới nửa năm không có đồng thu nhập nào", chị M., một môi giới ở khu vực Thành phố Thủ Đức cho hay.