Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, Ninh Thuận dự kiến sẽ có khoảng hơn 150 dự án kêu gọi đầu tư, trong đó bao gồm 127 dự án khu đô thị, khu dân cư, dự án phát triển nhà ở; 8 dự án nhà ở xã hội và 18 dự án nhà ở thương mại.
Về dự án khu đô thị, khu dân cư, dự án phát triển nhà ở, thành phố Phan Rang Tháp Chàm sẽ có 63 dự án, huyện Ninh Phước có 6, huyện Ninh Hải: 25, huyện Thuận Nam: 11, huyện Thuận Bắc: 5, huyện Ninh Sơn: 10, huyện Bác Ái: 7.
Về về dự án nhà ở thương mại, TP Phan Rang Tháp Chàm có 6 dự án, Ninh Phước: 2, Ninh Hải: 4, Ninh Sơn: 1; Thuận Nam: 5 và Thuận Bắc: 2.
Về chỉ tiêu phát triển nhà ở toàn tỉnh, Ninh Thuận xác định diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 25m2 sàn/người, trong đó đô thị đạt 29,0m2 sàn/người, nông thôn đạt 22,2m2 sàn/người. Diện tích nhà ở tối thiểu 10,0m2 sàn/người. Tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm khoảng 2.897.156m2 sàn/30.442 căn.
Tổng nguồn vốn thực hiện các dự án nhà ở ước tính khoảng 9.794,69 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương khoảng 101,51 tỷ đồng; vốn từ ngân sách địa phương khoảng 37,76 tỷ đồng; vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội khoảng 149,73 tỷ đồng; Vốn khác (tổ chức, thành phần kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, vay ngân hàng, huy động,...) khoảng 9.505,69 tỷ đồng.
Liên quan đến giải pháp thực hiện, tỉnh Ninh Thuận đẩy nhanh việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết trên cơ sở quy hoạch chung đô thị, quy hoạch nông thôn mới đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; xác định và công bố quỹ đất được phép xây dựng nhà ở theo quy hoạch để làm cơ sở tổ chức triển khai các dự án phát triển nhà ở và tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân xây dựng, cải tạo nhà ở theo quy hoạch.
Ninh Thuận xác định công bố công khai quy hoạch xây dựng đô thị, quy chế quản lý kiến trúc đô thị, quy hoạch khu dân cư nông thôn để nhân dân biết và tuân thủ, làm căn cứ để quản lý cấp phép xây dựng mới, cũng như cải tạo chỉnh trang đô thị.
Ngoài ra, Ninh Thuận sẽ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại những vị trí thuận lợi sau khi Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm khai thác tiềm năng từ đất đai để phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt kêu gọi đầu tư trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm về nhà ở thương mại, nhà ở xã hội trong các khu quy hoạch khu dân cư, khu đô thị mới; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các khu đô thị, khu dân cư và các tuyến đường phố chính trên địa bàn tỉnh để tăng quỹ đất ở cho người dân, vì đây là nguồn lực chính để tăng diện tích sàn nhà ở.
Về giải pháp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, Ninh Thuận xác định đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dưới nhiều hình thức và bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn doanh nghiệp thông qua đấu thầu chủ đầu tư các dự án hạ tầng; thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất tại những vị trí thuận lợi sau khi đầu tư đường giao thông để huy động vốn từ quỹ đất cho đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ các đối tượng xã hội giải quyết nhà ở, khắc phục tình trạng xây dựng nhà ở không đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật.
Tại các khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng mà nhà nước chưa có nguồn lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhưng đáp ứng điều kiện tối thiểu về cấp điện, cấp nước thì cho phép người dân được chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà ở. Nguồn kinh phí thu từ tiền chuyển mục đích sử dụng đất của hộ dân, các địa phương tự cân đối nguồn vốn để triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại khu vực theo quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt.