Tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã có trao đổi nhiều vấn đề nóng của của thị trường bất động sản.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, cơ hội tạo nên sốt đất xuất phát từ nhiều yếu tố chứ không phải riêng mỗi việc đấu giá đất.
Theo định hướng năm 2022, việc phát triển nhà ở sẽ theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm môi trường sống, hạ tầng đồng bộ; đổi mới căn bản tư duy, chính sách phát triển nhà ở xã hội; tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường cho đối tượng chính sách xã hội...
Liên quan đến các chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội được Bộ Xây dựng đề xuất trong gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhấn mạnh, mục đích của chính sách hỗ trợ hướng tới phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, không phải tập trung vào thị trường bất động sản, do vậy, không phải lo ngại ảnh hưởng đến giá nhà đất. Tuy nhiên, thị trường bất động sản luôn cần được kiểm soát để phát triển lành mạnh.
Trước phản ánh của công luận về tình trạng sốt đất đang diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, thời gian vừa qua, sau khi có đấu giá đất ở Thủ Thiêm thì Thủ tướng đã có văn bản giao cho các Bộ ngành liên quan trong đó có Bộ Xây dựng có những đánh giá.
Ông Khởi nói, sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã triển khai và làm việc với Bộ Tài nguyên Môi trường. Ngoài ra, Bộ cũng có văn bản gửi các tỉnh, đề nghị các tỉnh đánh giá về giá đất có ảnh hưởng hay không?
"Đến nay đã có 20 tỉnh đánh giá về nguy cơ sốt đất thông qua đấu giá và ảnh hưởng đến nhà ở, giá đất", ông Khởi nói và cho biết thêm khi có kết quả và đầy đủ thông tin sẽ báo cáo đến Thủ tướng.
ảnh minh họa.
Ở góc độ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, ông Khởi cho rằng, giá đất ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như nguồn cung, giao dịch, phát triển hạ tầng và trong đó có đấu giá đất... Để biết được rõ cần đánh giá kỹ lưỡng, bài bản.
Về vấn đề sốt đất có ảnh hưởng đến giá nhà ở giá thấp, theo ông Khởi vừa qua thị trường bất động sản có phát triển. Cụ thể năm 2018-2019 có đi xuống nhưng đến 2020 thì một số cơ chế, văn bản pháp luật đã tháo gỡ như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, các Nghị định… nên thị trường bất động sản phát triển hơn.
Qua tính toán thì giá giao dịch trên thị trường tăng một số trường hợp như: Căn hộ cao cấp tăng 0/5%. Giá trung cấp tăng 3%, đất nền tăng 3-5% và một số nơi tăng trên 10% trong đó có TP.HCM. So với hai năm trước tăng nhưng đây là tăng do xu hướng chung.
"Năm 2020 nguồn thì trường bất động sản chưa có do Covid-19, nguồn cung chưa đáp ứng nguồn cầu tăng nên tăng giá. Việc này ảnh hưởng đến phát triển giá nhà thấp. Chính vì vậy, vừa qua Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng nghiên cứu và tìm ra các giải pháp để phát triển thị trường này", Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nói.
Thông tin về các giải pháp, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, công khai các dự án bất động sản. "Việc tăng là chưa cung cấp, công khai thông tin kịp thời nên xảy ra như vậy. Ngoài ra, cũng phải quản lý môi giới để kiểm soát giá bất động sản, không để đẩy giá cao", ông Khởi nói thêm.
#/nhieu-tinh-thanh-danh-gia-nguy-co-sot-dat-thong-qua-dau-gia-20220122005236709.chn