Thị trường bất động sản Đà Nẵng khá im hơi, lặng tiếng so với thị trường hai đầu đất nước. Nhưng thực tế không phải như vậy. Thậm chí, ngay cả trong giai đoạn diễn biến dịch Covid-19, thị trường ở thủ phủ miền Trung vẫn diễn ra sôi động.
"Nếu nói [bất động sản] Đà Nẵng nằm yên trong giai đoạn dịch là chưa phản ánh đúng. Bởi thị trường đang bước vào giai đoạn các quỹ đất nền ngày càng khan hiếm và trong giai đoạn tìm động lực mới để phát triển", ông Nguyễn Tấn Việt, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Eco Real (Đà Nẵng), cho biết.
Theo ông Việt, số lượng giao dịch có thể giảm do tình hình chung nhưng một số loại hình như căn hộ có mức giá tầm trung, đất nền khu vực phía Nam thành phố vẫn nhận được sự quan của khách hàng và hấp thụ tốt.
"Dù ảnh hưởng dịch và nguồn cung sản phẩm giảm nhưng Đà Nẵng vẫn là thị trường hấp dẫn với nhà đầu tư. Thị trường Đà Nẵng dự kiến sẽ trở lại mạnh mẽ trong năm 2022, đón chu kỳ tăng trưởng mới", Phó TGĐ của Eco Real lạc quan về triển vọng thị trường bất động sản của thành phố trong năm nay.
Đặc biệt, khi về hỏi giá của bất động sản, ông Việt khẳng định: "Giá không giảm. Số lượng giao dịch có giảm nhưng giá không giảm. Đó là thực trạng chung của các thị trường hấp dẫn nhà đầu tư như Đà Nẵng. Một số khu vực thị trường hấp thụ tốt, quỹ đất nền không còn thì giá thậm chí tăng 5%".
Vị này cho hay, nếu nhìn nhận chung thì đất nền và căn hộ giá tầm trung sẽ bùng nổ. Đây là hai loại hình bất động sản có nguồn cung hiếm và nhu cầu lớn của nhà đầu tư. Chưa kể, mức giá của những khu vực vùng ven chưa chạm đỉnh nên dễ dàng thu hút nhà đầu tư giao dịch.
Tuy nhiên, để trở thành nhà đầu tư thông thái tại thị trường Đà Nẵng, ông Việt đưa ra 4 lưu ý:
Thứ nhất, chính quyền Đà Nẵng và một số địa phương lận cận đang cho rà soát mạnh các dự án chưa điều kiện giao dịch. Vì vậy, điều đầu tiên, khách hàng cần quan tâm chính là tính pháp lý khi mua một sản phẩm bất động sản. Dù mua ở hay đầu tư thì sản phẩm đó phải đảm bảo sự minh bạch trong câu chuyện mua bán.
Thứ hai phải định giá được sản phẩm bất động sản. Tránh sở hữu những bất động sản giá quá cao so với giá trị thực, đặc biệt khách hàng đầu tư. Đương nhiên định giá bất động sẽ phụ thuộc vào vị trí sản phẩm, yếu tố hạ tầng, nhu cầu thị trường thời điểm đó…
Thứ ba là xu hướng đầu tư hậu Covid-19. Ví dụ như hạn chế đầu tư theo kiểu lướt sóng, ngắn hạn sẽ khó khả thi. Thay vào đó là quan tâm những khu vực vùng ven thành phố, vừa có tính an cư lâu dài, lại đầu tư an toàn.
Thứ tư là chú ý đến các khu vực có mức giá mềm nhưng đón đầu hạ tầng giao thông khớp nối. Tuy nhiên hướng đi này khách hàng cần quan tâm nhiều đến tính pháp lý.
Thị trường bất động sản Đà Nẵng được dự báo sẽ hướng sang trục Tây Bắc và phía Nam. Ảnh: Dy Khoa.
Tây Bắc và phía Nam Đà Nẵng có gì thu hút nhà đầu tư?
Gợi ý hướng đầu tư khi khu vực trung tâm gần như hết đất sạch cho các nhà đầu tư mới, ông Việt cho rằng các vùng ven, cụ thể là phía Tây Bắc và phía Nam thành phố có cơ hội với phân khúc bất động sản công nghiệp và dịch vụ".
Nhận định này tương đồng với đề án quy hoạch của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, Tây Bắc sẽ là hướng phát triển mạnh mẽ dựa trên chủ trương và chiến lược. Trong đó, quận Liên Chiểu nổi lên như một điểm sáng với hệ thống kết cấu hạ tầng tiên tiến và thuận lợi, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Trục Tây Bắc sẽ trở thành ngôi sao sáng của thị trường Đà Nẵng bởi nơi đây hội tụ đầy đủ ba yếu tố "thiên thời - địa lợi - nhân hòa".
Về mặt địa lý, khu Tây Bắc vừa có lợi thế phát triển bất động nhà ở vừa phù hợp xu hướng nghỉ dưỡng, du lịch. Phía Bắc Đà Nẵng được bao bọc bởi núi cao với đèo Hải Vân nơi mệnh danh là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Phía Tây là bán đảo Sơn Trà "lá phổi xanh" của thành phố, cùng khu du lịch Bà Nà ở cao độ trên 1.000m. Ngoài ra, khu Tây còn sở hữu bờ biển Nam Ô thuận lợi cho khai thác du lịch sinh thái.
Xét về yếu tố hạ tầng, Tây Bắc có vị thế cửa ngõ giao thông, giáp biển và gần các khu công nghiệp lớn. Nơi đây tập trung 4 nút giao thông quan trọng về hàng không, đường bộ, đường sắt và đường biển của Đà Nẵng: sân bay quốc tế Đà Nẵng, bến xe Đà Nẵng, ga Kim Liên và cảng Liên Chiểu.
Còn phía Nam Đà Nẵng là mũi quy hoạch để kết nối đô thị Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Theo Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, thành phố sẽ phát triển khu vực phía Nam Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
Sở hữu địa thế đắt giá bao gồm núi, biển, không gian xanh, khí hậu trong lành, khu vực Nam Đà Nẵng thu hút được nhiều cơ sở hạ tầng hoàn thiện theo tiêu chuẩn quốc tế như trường liên cấp quốc tế Singapore, trường quốc tế Hoa Kỳ APU, bệnh viện quốc tế Hàn Quốc….Trong tương lai sẽ có thêm nhiều trung tâm thương mại lớn đầu tư tại khu vực này.
Ngày 27/10/2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư công bố đơn vị trúng thầu xây dựng đường và cầu mới qua sông Cổ Cò, thuộc dự án Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng với tổng giá trị đầu tư lên đến hơn 180 tỷ đồng.
https://soha.vn/vi-sao-dat-da-nang-khong-giam-nhiet-bat-chap-covid-19-2022012110110747.htm