Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 suốt từ đầu năm, nhiều cửa hàng mặt phố, các tiệm kinh doanh nhỏ tại Hà Nội và Tp.HCM đã phải đóng cửa vì không thể đủ trả tiền mặt bằng.
GIẢM 40% GIÁ THUÊ VẪN Ế
Theo khảo sát, tại Tp.HCM, chưa bao giờ mặt tiền nhiều căn nhà san sát nhau tại trung tâm quận 1, quận 3 từ Đồng Khởi, Lê Lợi, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hàm Nghi…lại nhiều căn đóng cửa im lìm như hiện nay. Chỉ một đoạn đường dài 300 - 400m trên phố Lý Tự Trọng mà có tới 4 căn mặt phố đóng cửa, treo biển "cho thuê", trong số đó, có những tấm biển được treo từ đợt dịch đầu tiên vẫn chưa được hạ xuống. Nhiều chủ nhà đã chấp nhận giảm giá đến 40% giá thuê vẫn không có khách.
Tại Hà Nội, tình trạng này cũng không khá hơn. Được coi là "đất vàng" kinh doanh sầm suất của Thủ đô nhưng dưới tác động của dịch COVID-19 lần đầu tiên mặt bằng nhà phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm khó tìm khách thuê.
Ghi nhận tại trục phố Hàng Đào - Hàng Ngang đến chợ Đồng Xuân, trái ngược với cảnh buôn bán tấp nập trước kia, giờ cảnh chen lấn đã bớt đi nhiều, trong đó cứ cách dăm bảy cửa hàng lại có một nhà treo biển cho thuê.
Trên các tuyến phố kinh doanh khác như Bà Triệu, Phố Huế, Chùa Bộc, Thái Hà…cũng xuất hiện nhiều biển treo "cho thuê nhà".
Chị Mai Dung (phố Chùa Bộc) cho biết, trước chị thuê nhà để bán quần áo nhưng suốt hơn 6 tháng qua, lượng người mua giảm, kinh doanh ế ẩm buộc chị phải trả lại cửa hàng.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ một cửa hàng thời trang tại phố Hàng Đào (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, nhiều tháng nay lượng khách hàng và doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Sau 3 tháng cầm cự chị đã phải trả lại cửa hàng.
Người kinh doanh trả lại cửa hàng vì thua lỗ, chủ nhà có mặt bằng cho thuê cũng đang khó khăn trong tìm khách thuê dù đã giảm giá. Anh Nguyễn Văn Thế, chủ nhà trên phố Bà Triệu cho biết giảm giá thuê nhưng cũng khó cho thuê.
"Trước đây, chỉ cần biết có mặt bằng cho thuê trên phố Bà Triệu này thì các hộ kinh doanh quanh đã đến hỏi thuê. Hiện, dù đã treo biển cho thuê, đăng trên web bất động sản cũng chỉ có người đến hỏi, đến xem. Mặt bằng kinh doanh tầng 1 của nhà đã bỏ không gần 2 tháng nay", anh Vương nói.
Với một cửa hàng nhỏ kinh doanh hàng ăn uống, thời trang chỉ có thể chịu đựng lỗ trong khoảng 4 tháng. Từ đầu năm tới nay đã đến giới hạn của các hộ kinh doanh cá thể. Trong khi đó, nhiều chủ nhà, chủ cửa hàng cũng đang phải méo mặt vì giảm giá thuê đến 40-50% vẫn không có người thuê.
Bà Võ Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Công ty Savills Việt Nam cho hay, trong 10 tháng đầu năm, số lượng mặt bằng nhà phố chào thuê ra thị trường ngày càng nhiều, nhưng tốc độ lấp đầy rất chậm.
"Kể cả các cung đường thương mại lớn tại quận 1, Tp.HCM cũng khó cho thuê", bà Trang nói và phân tích thêm rằng, xu hướng khách thuê giảm số lượng cửa hàng hoặc giảm diện tích và chuyển đổi sang thương mại điện tử vẫn tiếp tục diễn ra. Đặc biệt, tại các khu vực lượng người lưu thông giảm và phụ thuộc lớn vào lượng khách du lịch, khách thuê vẫn quyết trả mặt bằng dù một số chủ nhà chấp nhận giảm giá thuê trong ngắn hạn.
Theo khảo sát, dù cuộc chiến chống dịch đã cơ bản được đẩy lùi, nền kinh tế dần trở về trạng thái bình thường. Tuy nhiên, sức mua của người dân đã bị sụt giảm. Đặc biệt, việc mở cửa cho người nước ngoài chưa được thực hiện trở lại đã tác động không nhỏ lên nền kinh tế, trong đó một bộ phận kinh doanh tại các trung tâm lớn phải gánh hậu quả.
Nhiều cửa hàng trả lại mằng bằng do kinh doanh ế ẩm.
KINH DOANH ONLINE TIẾT GIẢM CHI PHÍ
Theo một số chuyên gia, trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra, xu hướng bán hàng online sẽ "lên ngôi", người dân có xu hướng đặt mua hàng qua mạng thay vì trực tiếp đến cửa hàng. Đây là một xu thế tích cực, phù hợp với các ứng dụng công nghệ mới. "Mặt tiền vàng, mặt phố vàng" không còn chiếm thế độc tôn trong kinh doanh bán lẻ.
Xu hướng trả mặt bằng kinh doanh hiện nay cũng là quá trình cơ cấu lại thị phần của thị trường bán lẻ, chuyển sang kinh doanh online chỉ là một phần. Thị trường cho thuê bán lẻ cũng cần điều chỉnh lại giá cho thuê một cách hợp lý để thích ứng khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chậm lại.
Khảo sát của CBRE mới đây cho thấy 43% khách thuê cho rằng doanh thu sẽ giảm từ 10 - 30% trong năm 2020, 61% khách thuê cho biết chưa được nhận các hỗ trợ từ chủ nhà và 27% hy vọng được chủ nhà hỗ trợ nhiều hơn vì hoạt động kinh doanh đang bị ảnh hưởng nặng từ Covid-19.
Báo cáo thị trường quý 3/2020 của CBRE Việt Nam cho hay, tỷ lệ mặt bằng bán lẻ trống trung bình vẫn cao hơn năm trước do các thương hiệu bán lẻ, chủ yếu là thời trang và ăn uống trong nước trả lại mặt bằng. Một số chủ đầu tư vẫn giữ chính sách ưu đãi cho các khách thuê hiện hữu và khách thuê mới, tuy rằng số lượng dự án có chính sách ưu đãi không nhiều như trong đợt Covid-19 hồi đầu năm.
"Theo khảo sát của Savills vào quý 3/2020, khách thuê thuộc ngành hàng dịch vụ ăn uống và thời trang cũng có sự thay đổi rõ rệt về diện tích thuê hoặc do trả mặt bằng hoặc do giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí. Xu hướng giảm diện tích thuê hoặc trả những cửa hàng hoạt động không hiệu quả sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới", bà Võ Khánh Trang nhận định.