Theo quyết định xét xử 4245, ngày mai (16/9), TAND TP.HCM bắt đầu mở phiên xét xử sơ thẩm 5 bị cáo về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" liên quan khu đất 8-12 Lê Duẩn, quận 1, gây thất thoát hơn 1.927 tỷ đồng.
5 bị cáo hầu tòa gồm Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM; Lê Thị Thanh Thúy, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Hoa Tháng Năm, Chủ tịch Công ty đầu tư Lavenue; Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM; Nguyễn Hoài Nam, nguyên Bí thư Quận ủy quận 2 và Trương Văn Út, nguyên Phó trưởng phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.
Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Thị Thanh Bình làm chủ tọa và dự kiến kéo dài đến hết ngày 21/9.
Tòa triệu tập 26 cơ quan, cá nhân là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trong đó gồm UBND TP.HCM; Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính, Ban chỉ đạo 09, Cục Thuế TP, Chi Cục Thuế quận 1, Sở Giao dịch Ngân hàng TMCP Á Châu.
Các công ty liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần góp vốn tại dự án 8-12 Lê Duẩn gồm Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP, CTCP Kim khí TP, CTCP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, CTCP Hóa chất vật liệu điện TP, CTCP Vận tải xăng dầu Vitaco, Công ty TNHH Đầu tư KIDO, Công ty TNHH MTV Hoa tháng năm, CTCP Đầu tư Lavennue.
Tòa cũng triệu tập các cá nhân là lãnh đạo doanh nghiệp gồm ông Lưu Văn Thăng, Chủ tịch HĐQT CTCP Xăng dầu Vitaco; ông Nguyễn Minh Xuân, Chủ tịch HĐQT CTCP Kim khí TP.HCM; ông Nguyễn Khắc Thám, Chủ tịch HĐQT CTCP Hóa chất vật liệu điện TP.HCM và ông Nguyễn Đình Hiền, Chủ tịch HĐQT CTCP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn; ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KIDO; ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn KIDO…
2 luật sư tham gia bào chữa gồm Trương Trọng Nghĩa, Ngô Minh Hưng thuộc Đoàn luật sư TP.HCM bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Tài.
4 luật sư gồm Nguyễn Hữu Thế Trạch, Nguyễn Trí Tú, Phạm Thị Hiền và Phạm Danh Tín bào chữa cho bị cáo Lê Thị Thanh Thúy.
2 luật sư Phạm Ngọc Trung, Nguyễn Thành Công cùng bào chữa cho bị cáo Đào Anh Kiệt. Luật sư Công cũng tham gia bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hoài Nam cùng với Luật sư Vũ Phi Long.
2 luật sư gồm Nguyễn Thị Thanh Tú và Nguyễn Sa Linh cùng bào chữa cho bị cáo Trương Văn Út.
Theo hồ sơ vụ án, khu "đất vàng" số 812 Lê Duẩn có diện tích 4.896 m2 thuộc sở hữu nhà nước, ban đầu do 4 đơn vị thuộc Bộ Công Thương thuê sử dụng làm trụ sở làm việc là CTCP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (SMA), CTCP Kim khí Thành phố (HMC), CTCP Vận tải xăng dầu (VTO) và CTCP Hóa chất vật liệu điện Thành phố. Công ty Quản lý kinh doanh nhà Thành phố là đơn vị được giao quản lý, cho thuê khu nhà đất này.
Ngày 20/11/2007, UBND TP.HCM có chủ trương phê duyệt cho đầu tư xây dựng khách sạn và một phần trung tâm thương mại theo Quyết định 09 của Thủ tướng.
Sau khi biết TP có chủ trương thành lập công ty cổ phần thực hiện dự án tại khu đất 8-12 Lê Duẩn, Lê Thị Thanh Thúy ký văn bản không số ngày 6/8/2010 gửi Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP, tự giới thiệu Công ty Hoa Tháng Năm có năng lực tài chính, có kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và xin được tham gia dự án. Thực tế công ty này thành lập 6/4/2010 và chưa thực hiện dự án bất động sản nào.
Ngày 17/8/2010, ông Nguyễn Thành Tài tổ chức họp chấp thuận đề xuất của Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP về việc cho Công ty Hoa Tháng Năm tham gia hợp tác đầu tư góp 30% vốn của dự án trái với chủ trương của UBND TP.
Trên cơ sở chấp thuận của ông Tài, ngày 10/9/2010, Công ty Lavennue được thành lập (chủ đầu tư dự án 8-12 Lê Duẩn), vốn 100 tỷ đồng. Gồm các cổ đông là Công ty Kinh doanh nhà góp 20%, Công ty Hoa Tháng Năm góp 30%, 4 công ty thuê đất góp 50% (mỗi công ty 12,5%). Người đại diện theo pháp luật là bà Lê Thị Thanh Thúy, Chủ tịch HĐQT.
Ngày 29/10/2010, 4 công ty thuê đất chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty Lavennue cho Công ty KIDO với giá trị 250 tỷ đồng. Trước đó 4 công ty này vay tiền của KIDO tổng cộng 50 tỷ để góp vốn thành lập Lavennue, sau khi trừ khoản vay thì mỗi công ty thu lợi 50 tỷ đồng.
Cáo trạng xác định, do có mối quan hệ tình cảm cá nhân và sự tác động của Lê Thị Thanh Thúy, ông Tài đã có các quyết định và chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý tài sản Nhà nước, như chấp thuận thay đổi chủ trương đầu tư cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia góp vốn thực hiện dự án; giao đất và cho thuê đất theo hình thức chỉ định không qua đấu giá quyền sử đụng dất; chấp thuận 2 hình thức giao đất và cho thuê đất đối với cùng dự án; chấp thuận cho thanh lý nhà 12 Lê Duẩn không thực hiện việc bán tài sản; dẫn đến chuyển dịch quyền sở hữu khu nhà đất 8-12 Lê Duẩn từ sở hữu Nhà nước sang sở hữu doanh nghiệp tư nhân, gây thất thoát đặc biệt lớn với số tiền hơn 1.927 tỷ đồng.