Ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam phát biểu đề dẫn tọa đàm cho biết theo số liệu thống kê của Viện Năng lượng Mỹ, các công trình xây dựng chiếm khoảng 40% năng lượng tiêu thụ trên toàn cầu.
"Báo cáo của Hội đồng doanh nghiệp thế giới về phát triển bền vững cũng công bố số liệu tương tự và cho biết thêm, các toà nhà tạo ra lượng CO2 chiếm khoảng 30%. Ở Việt Nam, khảo sát sơ bộ của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho thấy, tỷ lệ sử dụng năng lượng trong các tòa nhà cao tầng ở mức rất cao, chiếm khoảng 37 - 38% năng lượng tiêu thụ của cả nước", ông Doanh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Doanh, trong bối cảnh đại dịch hoành hành, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, như tại Hà Nội những ngày qua đạt mức nhiệt cao trên 40 độ C; thậm chí, trưa ngày 23/6, nhiệt độ ngoài trời đo được vượt mức 65 độ C, không khí oi bức bao trùm toàn thành phố…, đã cho thấy thực trạng mất cân bằng sinh thái cũng như việc sử dụng năng lượng lãng phí, thiếu ý thức gây ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng hơn.
Thực trạng đó cũng đặt ra những bài toán mới cho các nhà phát triển dự án chung cư cao tầng nói riêng, các nhà quản lý - kiến thiết đô thị nói chung: Đó là làm sao vừa phát triển đô thị, kiến tạo nên những tòa nhà cao tầng hiện đại, khang trang hơn; vừa có thể cân bằng được không gian sống văn hóa, văn minh, thân thiện. Đó cũng là bài toàn làm sao vừa có thể bán được hàng nhanh, thu được lợi nhuận tốt; vừa có thể ứng dụng các giải pháp kiến trúc - công nghệ - kỹ thuật - quản lý và vận hành, đem lại những lợi ích thiết thực và bền vững cho khách hàng - những cư dân của đô thị mới.
Đồng quan điểm với ông Doanh, TS.KTS Lê Thị Bích Thuận - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng) cho biết để xây dựng chung cư xanh cần phải có sự đầu tư và nghiên cứu kỹ lưỡng. Ví dụ như ở chung cư nói chung, tường ngoài là bộ phận chịu tác dụng của bức xạ mặt trời lớn nhất. Diện tích dùng kính trên mặt nhà không nên vượt quá 20 - 35%, cần phải sử dụng các vật liệu cách nhiệt trên mặt đứng công trình, kết hợp với các giải pháp che nắng. Lưu ý không bao giờ sử dụng kính 1 lớp cho nhà ở chung cư cao tầng. Cần phải sử dụng kính 2 lớp và kính màu, kính phản quang để giảm lượng bức xạ mặt trời chiếu vào nhà.
"Ứng dụng công nghệ vào xây dựng các dự án nhà ở thông minh đang là xu hướng. Tại Việt Nam, nhà thông minh đã phát triển trong 10 năm trở lại đây. Trong giai đoạn đầu của sự phát triển nhà thông minh được xem là sản phẩm xa xỉ và chỉ phù hợp với các biệt thự hay căn hộ sang trọng, đến nay, chi phí để lắp đặt một ngôi nhà thông minh đã giảm nhiều và nó gần như phù hợp với phần lớn khách hàng. Việc lắp đặt các thiết bị cũng nhanh chóng và thuận tiện", bà Thuận nhấn mạnh.
Cũng theo bà Thuận, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang và sẽ có những ảnh hưởng rất lớn tới ngành xây dựng thế giới cũng như tại Việt Nam. Công nghệ giúp doanh nghiệp tiếp cận dự án tốt hơn, thiết kế hợp lý hơn, và cũng quản lý hiệu quả hơn. Nhận biết, hiểu và áp dụng công nghệ vào ngành xây dựng là nhu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp muốn tạo ra lợi thế cạnh tranh trong môi trường kinh doanh hiện đại.
Bà Thuận dẫn chứng, ngôi nhà được giám sát an ninh tự động từ xa, tiết kiệm năng lượng thông qua hệ thống bật tắt đèn thông minh, nâng cao chất lượng cuộc sống bằng việc sử dụng công nghệ điều khiển bằng cử chỉ, bằng giọng nói… Chủ nhà có thể hưởng thụ sự tiện nghi, an toàn và hiện đại từ những giải pháp giám sát an ninh toàn diện, tự động điều khiển mành rèm, điều khiển từ xa các thiết bị gia dụng, các hệ thống đèn chiếu sáng, điều hòa nhiệt độ, hệ thống tưới cây, hệ thống giải trí… trong ngôi nhà thông minh.
"Một căn hộ chung cư có thể lắp đặt hạ tầng kết nối mọi thiết bị trong dự án như hệ thống kiểm soát an ninh, thang máy, các cảm biến thông minh, máy chủ và các dịch vụ phần mềm. Các dự án thông minh được trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động với cảm biến cháy được lắp đặt khắp các tầng hầm, hành lang, trong từng căn hộ để phát hiện cháy, vòi phun nước tự động khi phát hiện có cháy để dập lửa. Hệ thống thông báo có cháy qua loa, chuông và qua ứng dụng di động với chỉ dẫn thoát nạn khẩn cấp khi có cháy xảy ra…", TS.KTS Lê Thị Bích Thuận khẳng định.
Cũng theo bà Thuận, ngành xây dựng là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường và tiêu tốn nhiều năng lượng nhất, kể cả trong quá trình thi công xây dựng đến vận hành công trình sau này. Ứng dụng các nguồn năng lượng thông minh, vật liệu xanh trong xây dựng nhà chung cư thông minh chính là lối thoát để bảo vệ môi trường trong quá trình đô thị hoá nhanh tại Việt Nam, đảm bảo sự phát triển của đô thị đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau.
Chúng ta cần hệ thống hóa các giải pháp, đưa ra nguyên tắc thiết kế và tiêu chuẩn thiết kế trong việc ứng dụng năng lượng thông minh và vật liệu xanh khi xây dựng nhà ở tại Việt Nam. Đặc biệt cần đưa ra thành bộ tiêu chuẩn thiết kế về sử dụng năng lượng và vật liệu trong nhà chung cư thông minh để các nhà thiết kế có thể áp dụng, cũng như làm cơ sở cho các nhà quản lý và đầu tư tham khảo khi quyết định xây dựng các công trình chung cư. Bên cạnh đó, ứng dụng các công nghệ 4.0 vào phát triển các dự án bất động sản giúp chủ đầu tư dễ dàng quản lý và vận hành dự án và từ đó, tác động lớn đến việc hình thành các tòa nhà trong phát triển thành phố xanh, thông minh.
Theo tính toán của các chuyên gia Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, một cao ốc nếu được thiết kế hợp lý thì không chỉ tiết kiệm được 30% điện năng tiêu thụ, 30 - 50% lượng nước sử dụng của tòa nhà, mà còn giảm được 35% khí thải CO2 và giảm được 50 - 90% các loại rác thải khác.
Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng đánh giá dù mới chỉ là bước đầu, và còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những xu hướng xây dựng chung cư xanh - thông mình đã dần được các khách hàng đón nhận và xã hội ghi nhận. Quan trọng hơn, đó là những hành động "góp gió thành bão", nhân lên những giá trị tốt đẹp, cùng chung tay bảo vệ môi trường. Bởi lẽ, chúng ta có thể nên ra một vài dẫn chứng để thấy vai trò và tầm quan trọng của việc ứng dụng các giải pháp về kiến trúc và xây dựng chung cư trong thời đại 4.0 như: