Nhà ở xã hội: Cung thiếu trầm trọng so với cầu

Đến thời điểm này, đã quá nửa thời gian của giai đoạn 2021-2025, cả nước mới hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 20.210 căn hộ, chỉ bằng 4,7% kế hoạch đề ra.
Nhà ở xã hội: Cung thiếu trầm trọng so với cầu - Ảnh 1.

Với nhiều chính sách mạnh mẽ, kỳ vọng nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tăng trong thời gian tới. Ảnh: Quang Vinh.

Nguồn cung mới đáp ứng 20% nhu cầu thực tế

Tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030". Cụ thể, mục tiêu đề án đặt ra, phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn với mục tiêu đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn - nguồn cung nhà ở xã hội thiếu nghiêm trọng, mới chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu thực tế của công nhân lao động, đồng thời, còn là giải pháp “cứu cánh" cho doanh nghiệp (DN) bất động sản trong bối cảnh dòng tiền tắc nghẽn, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro.

Tuy nhiên, theo đánh giá, đã quá nửa thời gian của giai đoạn 2021-2025, cả nước mới hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 20.210 căn hộ, chỉ bằng 4,7% kế hoạch đề ra.

Những dữ liệu nói trên cho thấy, để có thể đạt được mục tiêu đề ra, những người trong cuộc, từ cơ quan chức năng cho đến các DN trong ngành xây dựng còn phải “chạy” cả một đoạn đường dài. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, với sự chỉ đạo sát sao của nhà quản lý trong việc ưu tiên xử lý, tháo gỡ về thủ tục, chính sách, tài chính đồng thời là sự phối hợp chủ động của DN, tốc độ phát triển nhà ở xã hội đã khả quan hơn với ngày càng nhiều dự án được cấp phép triển khai và hoàn thành.

Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, nếu như năm 2021, cả nước chỉ có 3.046 căn hộ hoàn thành xây dựng và 2.127 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các Sở Xây dựng thì sang đến năm 2022, con số này đã tăng lên gấp đôi, gấp bốn lần với 6.196 căn hoàn thành xây dựng và 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Đáng chú ý, nhiều địa phương đã và đang tích cực vào cuộc để thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở xã hội, nhà dành cho công nhân. Theo đó, năm 2021, 2022, mỗi năm cả nước chỉ có 9 dự án được cấp phép mới với quy mô khoảng gần 6.000 căn hộ thì chỉ tính riêng quý III/2023, đã có tới 12 dự án với quy mô 12.679 căn hộ được chấp thuận chủ trương đầu tư trên cả nước.

Kỳ vọng những tiến triển được tạo nên từ chính sách

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tình hình phát triển nhà ở xã hội sẽ tiếp tục có thêm những kết quả tích cực hơn với “trợ lực” từ chính sách. Đặc biệt, việc thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) mới đây, với nhiều quy định mới “gỡ khó” cho người mua và chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội, kỳ vọng sẽ tạo sức hấp dẫn, thu hút thêm nhiều DN tham gia phát triển phân khúc nhà ở xã hội, cũng như tăng khả năng tiếp cận loại hình nhà ở này cho người thu nhập thấp đủ khả năng và điều kiện để mua nhà.

Theo Luật Nhà ở vừa được Quốc hội thông qua, chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội sẽ nhận được hàng loạt ưu đãi với cơ chế thông thoáng hơn.

Cụ thể, việc dành 20% quỹ đất nhà ở xã hội sẽ thuộc trách nhiệm quy hoạch của từng địa phương. Quy định này không những giải quyết được bất cập về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội từ trước đến nay cho chủ đầu tư, mà còn có lợi cho người mua nhà bởi thông qua việc nắm rõ các thông tin về nhu cầu của người dân, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai, địa phương sẽ có chính sách phát triển nhà ở, bố trí quỹ đất thực sự phù hợp.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án (trừ phần diện tích đất để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại, chiếm tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất trong dự án) mà không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Theo tính toán, thời gian thực hiện thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ được rút ngắn khoảng 1 năm.

Ngoài ra, việc chỉ áp biên lợi nhuận với phần diện tích nhà ở xã hội sẽ giúp chủ đầu tư có thêm lợi nhuận từ việc phát triển nhà ở xã hội thông qua phần diện tích thương mại, là điểm cộng, tăng sức hút đối với các chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, Luật Nhà ở mới đã được sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách rất quan trọng và thiết thực, tháo gỡ khó khăn trong quá trình tiếp cận cho người dân khi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Đây cũng là điểm kỳ vọng tạo cú hích thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, tiếp thêm hy vọng mua được nhà cho người dân, đem lại dòng tiền cho doanh nghiệp, thúc đẩy tiến trình phục hồi của thị trường bất động sản.

Giới chuyên gia nhận định, đây chính là những động lực quan trọng để tạo đà cho phân khúc nhà ở xã hội, nhà giá rẻ dành cho người thu nhập thấp bứt phá trong thời gian tới.

Theo nhận định của ông Hwang Sung Kwwan - chuyên gia Tổng Công ty đất đai và nhà ở Hàn Quốc, phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội cần gắn với các hạ tầng tiện ích đi kèm như trường học, bệnh viện cũng như cơ hội việc làm cho họ. Như thế mới hướng đến được đúng các đối tượng người có nhu cầu ở thực, từ đó tăng sự bền vững cho việc phát triển các dự án như vậy.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, cho rằng, phân khúc nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp cũng cần phải hướng tới đầy đủ công năng, đáp ứng nhu cầu và điều kiện sống của cán bộ, công nhân viên, công nhân và người có thu nhập thấp, trung bình, bởi con người ta có an cư thì mới lạc nghiệp.

Bộ Xây dựng cho biết, về triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, đã có 23 tỉnh công bố danh mục 54 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình với nhu cầu vay vốn hơn 25.884 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương đã được giải ngân với số vốn khoảng 143,3 tỷ đồng.