Nỗ lực dốc sức gỡ khó cho thị trường bất động sản
Kể từ cuối năm 2022 đến nay, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là các khó khăn vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn.
Ngay trong tháng 2/2023, lãnh đạo Chính Phủ đã chủ trì Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn lành mạnh, bền vững. Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng của thị trường bất động sản, những khó khăn, vướng mắc; đề xuất giải pháp đối với lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực liên quan để thúc đẩy thị trường bất động sản tiếp tục phát triển lành mạnh, bền vững.
Đến tháng 3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 08 về tháo gỡ trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản được đáo hạn trái phiếu. Đây là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp đàm phán với trái chủ về giãn hoãn nợ, bán chiết khấu tài sản, đổi tài sản lấy trái phiếu...
Cũng trong tháng 3/2023, Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững được ban hành.
Liên quan đến vướng mắc về pháp lý cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, Nghị định số 10 được ban hành nhằm bổ sung quy định về cấp quyền sở hữu cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Bước sang tháng 8/2023, tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, nhiều vướng mắc, trở ngại đã được đưa ra bàn thảo và đề xuất giải pháp. Người đứng đầu của Chính phủ một lần nữa nêu cao tinh thần quyết liệt "khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó, khó khăn ở cấp nào thì cấp đó giải quyết".
Tiếp tục đẩy mạnh khơi thông dòng vốn, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước liên tục động thái hạ nhiệt lãi suất.
Đáng chú ý, đến đầu tháng 11/2023, Quốc hội cũng đã chính thức thông qua 2 đạo luật quan trọng liên quan đến thị trường gồm Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Đặc biệt, mới đây Công điện số 1376/CĐ-TTg ngày 17/12/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Công điện được ban hành trong bối cảnh thị trường bất động sản đã có chuyển biến tích cực rõ nét song vẫn còn đối diện với nhiều thách thức.
Người đứng đầu của Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết tâm, trách nhiệm hơn nữa, chủ động tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được giao.
Tín hiệu tươi sáng và bước chuyển mình của thị trường địa ốc
Sau nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan ban ngành trong các chính sách điều hành thị trường, những tín hiệu tươi sáng đã bắt đầu xuất hiện rõ nét trên thị trường bất động sản ở thời điểm nửa cuối năm 2023. Loạt tín hiệu vui xuất hiện như thanh khoản trên thị trường đã trở lại, nguồn cung dồi dào.
Báo cáo quý III của Bộ Xây dựng nhận định, thanh khoản thị trường đã gia tăng trở lại, không còn trầm lắng như giai đoạn trước. Còn theo dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thanh khoản bất động sản duy trì ở mức thấp trong nửa đầu năm, bắt đầu chuyển hướng tăng bật trở lại vào giai đoạn nửa cuối năm. Cụ thể, sang đến quý III/2023, thị trường bất động sản đã có nhiều khởi sắc hơn khi thanh khoản đạt mức 6.000 giao dịch, tăng gấp 1,5 lần quý II và gấp 2 lần quý I. Đáng chú ý tâm lý e dè của người mua, nhà đầu tư đã phần nào được gỡ bỏ.
Cũng nhờ chính sách gỡ vướng về trái phiếu bất động sản của Chính phủ, thị phần này đã bắt đầu hồi phục. Kể từ tháng 6, thị trường trái phiếu phát hành có xu hướng đi lên, đỉnh điểm là tháng 10/2023 với 41.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dòng vốn đổ vào lĩnh vực địa ốc bắt đầu gia tăng nhờ chính sách tín dụng cởi mở. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến 30/09/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022.
Ở góc nhìn của chuyên gia nghiên cứu thị trường, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo Bất động sản cho rằng, nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đã góp phần "phá băng" thị trường địa ốc. Đặc biệt, những quy định mới trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản trở thành bước đệm để thị trường trở nên minh bạch, dần phục hồi. Trong thời gian tới, cùng với việc Luật Đất đai sửa đổi được thông qua, bất động sản sẽ có nền tảng chắc chắn để phát triển theo quỹ đạo bình ổn.
2024 là một năm được dự báo có nhiều gam màu sáng trong bức tranh bất động sản. Các chính sách điều hành thị trường địa ốc kịp thời, sát với thực tế là "động lực" để bất động sản có động lực để xoay chiều.