Nhà ở có bắt buộc phải có sổ hồng?

Sổ hồng là cách gọi thường dùng cho những giấy tờ quan trọng để chứng minh quyền sở hữu và quyền sử dụng đất đai, nhà ở tại Việt Nam.

Trước tiên cần phải hiểu, sổ hồng là tên gọi của “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”. Mọi người thường gọi là sổ hồng vì dựa trên màu sắc của giấy. Do đó, sổ hồng cũng là một thuật ngữ pháp lý không được công nhận theo quy định của pháp luật mà chỉ là cách gọi theo thói quen. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi xin sử dụng thuật ngữ sổ hồng thay cho thuật ngữ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo cách gọi phổ biến trong xã hội.

Sổ hồng phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Trên sổ hồng sẽ ghi rõ thông tin về chủ sở hữu, quyền sở hữu đất đai, nhà ở, và các tài sản gắn liền với đất. Đây là chứng từ pháp lý xác nhận chủ sở hữu hợp pháp của tài sản, và có giá trị như một dạng căn cứ pháp lý trong các giao dịch bất động sản.

Sổ hồng có vai trò khá quan trọng khi nó có thể là bằng chứng pháp lý quan trọng nhất để chứng minh quyền sở hữu nhà ở của một cá nhân hoặc tổ chức. Trong quá trình mua bán, chuyển nhượng bất động sản, sổ hồng là giấy tờ không thể thiếu. Các ngân hàng thường yêu cầu sổ hồng khi xét duyệt vay thế chấp.

Ngoài ra, sổ hồng giúp bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu trước pháp luật trong trường hợp xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu. Đối với các dự án, quy hoạch từ phía Nhà nước, sổ hồng cung cấp cơ sở pháp lý để tính toán đền bù, giải tỏa.

Nhà ở có bắt buộc phải có sổ hồng?

Việc sở hữu sổ hồng cho nhà ở không phải lúc nào cũng bắt buộc, nhưng trong nhiều trường hợp, nó lại trở thành yêu cầu cần thiết. (Ảnh minh hoạ)

Việc sở hữu sổ hồng cho nhà ở không phải lúc nào cũng bắt buộc. Cụ thể, căn cứ khoản 2 Điều 160 Luật Nhà ở 2023 quy định giao dịch nhà ở sau đây thì nhà ở không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận (hay thường được gọi là sổ đỏ, sổ hồng):

- Mua bán, thuê mua, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai; bán nhà ở trong trường hợp giải thể, phá sản;

- Tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết;

- Mua bán, thuê mua nhà ở có sẵn của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở trong các trường hợp sau đây: nhà ở thuộc tài sản công; nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở phục vụ tái định cư không thuộc tài sản công;

- Cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở;

- Nhận thừa kế nhà ở.

Có thể thấy, việc sở hữu sổ hồng cho nhà ở không phải lúc nào cũng bắt buộc, nhưng trong nhiều trường hợp, nó lại trở thành yêu cầu cần thiết.

Cụ thể, trong giao dịch mua bán, nếu bạn có ý định mua nhà hoặc đất, việc có sổ hồng sẽ chính thức hóa giao dịch và bảo vệ quyền lợi của bạn. Thiếu sổ hồng có thể dẫn đến rủi ro pháp lý nghiêm trọng.

Khi xây dựng và cải tạo, để được phép xây dựng hoặc cải tạo nhà ở, bạn thường phải trình bày sổ hồng để xin giấy phép xây dựng từ cơ quan chức năng.

Ngoài ra, Nếu muốn thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản, bạn cần có sổ hồng để chứng minh quyền sở hữu hợp pháp. Để thực hiện vay thế chấp tại ngân hàng, sổ hồng là yêu cầu bắt buộc.

Mặc dù không phải mọi trường hợp đều bắt buộc phải có sổ hồng, nhưng sở hữu sổ hồng cho nhà ở mang lại nhiều lợi ích và giảm thiểu rủi ro trong các giao dịch và tranh chấp pháp lý. Việc không có sổ hồng có thể dẫn đến những rắc rối không mong muốn và khó khăn trong việc thực hiện các quyền sở hữu. Do đó, việc nắm rõ các quy định và đảm bảo sổ hồng cho bất động sản của mình là điều cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp.