Nhà ở cho công nhân - vừa thiếu vừa "ế"

Xây nhà ở để bán cho công nhân tại các khu công nghiệp không phải là hình thức phù hợp để giải quyết nhu cầu nhà ở của công nhân.

Với thu nhập của mình, nhiều công nhân lựa chọn hình thức thuê nhà trọ giá dưới 1 triệu đồng thay vì nghĩ tới việc mua nhà trong KCN. Ảnh: L.T

Nội dung chính:

  • Bắc Ninh tồn đọng hơn 1.300 căn nhà ở cho công nhân dù nhu cầu lưu trú ở mức cao.
  • Công nhân không xác định làm việc lâu dài ở các khu công nghiệp, thu nhập bếp bênh nên thường lựa chọn phương án thuê nhà ngắn hạn thay vì mua.

Bắc Ninh, thủ phủ khu công nghiệp miền Bắc hiện đang “ế” hơn 1.300 căn hộ cho công nhân trên tổng nguồn cung 4.000 căn hộ thuộc nhóm này.

Trong khi đó, có tới 240.000 lao động ngoại tỉnh đang làm việc tại các khu công nghiệp tại Bắc Ninh (chưa bao gồm người lao động trong các cụm công nghiệp, doanh nghiệp bên ngoài các khu công nghiệp) có nhu cầu về lưu trú, nhà ở - theo thống kê từ UBND tỉnh Bắc Ninh.

Theo lý giải của UBND tỉnh này tại báo cáo gửi Bộ Xây dựng mới đây, nhà ở cho công nhân khó bán do đa số công nhân là người ngoại tỉnh, có tính chất cư trú không ổn định, thường xuyên di chuyển, thay đổi vị trí việc làm. Ngoài ra, thu nhập thấp cũng cản trở khả năng sở hữu nhà ở của nhóm người lao động này.

Không xác định gắn bó lâu dài với công việc ở các khu công nghiệp

Lương 20 triệu đồng mỗi tháng, chị Đặng Dung (32 tuổi), phiên dịch viên cho một công ty Nhật vẫn quyết định sống ở Hà Nội, làm việc ở Bắc Ninh, đi về mỗi ngày hơn 70km. Chị không đăng ký mua nhà ở dành cho công nhân tại đây dù thu nhập khá và tích lũy đủ.

“Chồng và con tôi đều làm việc và học tập ở Hà Nội. Bản thân tôi cũng thích cuộc sống ở Hà Nội hơn nên lựa chọn phương án đi - về mỗi ngày. Tôi cũng không nghĩ sẽ gắn bó lâu dài với công việc hiện tại, khi có cơ hội tốt hơn, tôi sẽ lựa chọn chuyển về Hà Nội làm việc” .

Người mẹ một con cũng lên kế hoạch tích lũy và vay thêm ngân hàng để mua một căn hộ nhỏ ở Hà Nội trong 2 năm tới thay vì mua một căn nhà ở cho công nhân tại Bắc Ninh.

Trái ngược với chị Dung, Nguyễn Hoài và chồng không đủ điều kiện để mơ về những căn hộ cho công nhân dù cả hai vợ chồng từng làm việc cho một khu công nghiệp tại Yên Phong 5 năm.

“5 năm làm việc cho Samsung ở Yên Phong rồi hơn 1 năm ra làm ngoài cạnh khu công nghiệp, thu nhập của 2 vợ chồng tôi chỉ đủ nuôi 2 con nhỏ và trả tiền thuê phòng trọ 1,4 triệu đồng mỗi tháng. Thông tin về nhà ở cho công nhân chúng tôi đều nắm được, nhưng chúng tôi chưa từng nghĩ đến việc sẽ mua nổi một căn nhà 500-600 triệu đồng ở giai đoạn này” , Hoài kể.

Phòng trọ giá 1,4 triệu đồng/tháng của Hoài.

Hoài cũng cho biết sắp tới gửi 2 con về Hà Tĩnh để ông bà hỗ trợ chăm nuôi, còn cô sẽ đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan khoảng 3 năm để có tích lũy nuôi con ăn học sau này.

“Lúc nào công việc còn tốt thì làm, không ổn thì buộc phải nghỉ, mà có khi họ sa thải mình chứ không chờ mình tự nghỉ nữa” , Hoài nói về công việc tại Bắc Ninh trong 6 năm qua.

Bản thân Hoài không có đủ tiền để mua nhà, song cô cho biết kể cả khi có tiền cũng không chắc sẽ mua nhà ở Bắc Ninh vì công việc của công nhân không ổn định.

“Nên hướng tới việc cho thuê”

Trong khu trọ của Nguyễn Hoài, đa số công nhân là người trẻ, tuổi từ 20 đến 30, làm việc tại khu công nghiệp Yên Phong. Khoảng 2 năm nay, nhà máy không có nhiều việc như trước, thu nhập của công nhân thường dao động trong khoảng 7-9 triệu đồng mỗi tháng bao gồm tiền công tăng ca. Sau khi trừ chi phí ăn, ở, sinh hoạt, phần lớn những người này cho biết mỗi tháng họ tiết kiệm được 4-5 triệu đồng.

Căn phòng của Nguyễn Hoài rộng khoảng 14 m2, là căn lớn nhất trong dãy trọ, có giá thuê 1,4 triệu đồng mỗi tháng. Căn phòng có gác xép để cất đồ, diện tích đủ kê 1 giường lớn và 1 bàn học cho 2 con. Những phòng còn lại có giá thuê 700.000 - 1 triệu đồng mỗi tháng.

Khảo sát một số dự án nhà ở cho công nhân tại Thuận Thành, Từ Sơn, TP Bắc Ninh, Yên Phong, giá nhà cho công nhân dao động phổ biến trong khoảng 10-16 triệu đồng/m2. Với một căn hộ 1 phòng ngủ, 1 vệ sinh, giá bán tối thiểu vào khoảng 400 triệu đồng.

Với mức tích lũy 4-5 triệu đồng mỗi tháng, Bá Huỳnh (20 tuổi, quê Thanh Hóa) và nhiều người trong dãy trọ chưa từng nghĩ sẽ có cơ hội sở hữu nhà ở Bắc Ninh.

“Nhà 400 - 500 triệu đồng thì em phải làm 100 tháng, tức là 8 năm nữa mới đủ. Mà làm sao biết được lúc đấy còn ở đây nữa hay không” , Huỳnh nói.

Trong khi giá nhà cách xa thu nhập, giá cho thuê phòng trợ ở Bắc Ninh được công nhân đánh giá là “dễ thở”. Do đó, hầu hết công nhân trong dãy trọ của Huỳnh và Hoài hài lòng với lựa chọn thuê nhà.

Nói về thị trường nhà ở cho công nhân tại Bắc Ninh, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng phát triển nhà ở cho công nhân là chính sách phù hợp với nhu cầu và xu hướng thị trường. Theo ông Đính, cần nhìn nhận lại các chính sách ưu đãi như lãi vay, giá bán, nhu cầu của người sử dụng…

Một dự án khu nhà ở công nhân, KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng nhà khi chính sách không đủ hấp dẫn người mua, phân khúc nhà ở cho công nhân nên hướng tới việc cho thuê.

“Quanh các khu công nghiệp có rất nhiều nhà trọ nhưng không phải nhà trọ nào cũng đảm bảo chất lượng sống. Nhà ở xã hội sẽ là giải pháp tốt cho các hộ gia đình hoặc nhóm công nhân muốn có chất lượng cuộc sống tốt hơn”, ông Đính đề xuất.

Chuyên gia này cũng khuyến nghị nhà ở cho công nhân nên là sản phẩm đặc thù, được phát triển bởi chính chủ đầu tư khu công nghiệp và cho công nhân thuê. Với các dự án do các doanh nghiệp tư nhân phát triển nhưng chưa bán hết, chuyên gia cho rằng các chủ đầu tư khu công nghiệp hoặc chính quyền địa phương cân nhắc phương án mua lại rồi cho công nhân thuê, hoặc chuyển đổi đối tượng mua nhà sang các nhóm người có thu nhập thấp khác trong xã hội.

“Trước tiên, cần phải xem đối tượng mua nhà dạng này là ai. Người muốn mua nhà ở Bắc Ninh thì chỉ có người Bắc Ninh mà thôi. Còn công nhân từ nơi khác đến thì họ chỉ đi làm theo thời vụ, có thể nghỉ việc hoặc bị cho thôi việc bất cứ khi nào, do đó họ sẽ hướng về xây nhà ở quê nhiều hơn. Chỉ khi giá bán hay chính sách ưu đãi mua nhà thực sự hấp dẫn so với đi thuê nhà trọ thì họ mới chọn mua”, ông Đính nói.

Chuyên gia cũng cho rằng nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho công nhân nói riêng là một loại sản phẩm đặc biệt, quy định sau 5 năm kể từ ngày mua mới có thể chuyển nhượng. Trong khi đó, không nhiều công nhân xác định thời gian làm việc dài như vậy, do đó việc mua nhà là không phù hợp với họ.

Ngoài ra, các chính sách liên quan đến lãi suất cho người mua nhà ở xã hội cũng chưa thực sự hấp dẫn, theo ông Đính. Chủ tịch Hội Môi giới nhìn nhận với lãi suất hiện tại, thu nhập của công nhân thậm chí không đủ trả lãi vay.