Số liệu của Tổng cục Thống kê mới công bố, trong ba tháng đầu năm nay, Việt Nam thu hút được 8,55 tỉ USD vốn FDI, trong số đó có 758 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5,5 tỉ USD; 236 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 1,1 tỉ USD, giảm 18%; 2.523 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 2 tỉ USD.
Theo nhận định của các chuyên gia, thời gian này, các nhà phát triển BĐS vẫn đang chuẩn bị các dự án mới để "bung" ra thị trường khi dịch lắng xuống và Việt Nam vẫn là một trong những thị trường hấp dẫn nhà đầu tư BĐS nước ngoài, khi có mức lợi tức cho thuê cao và giá bất động sản thấp nhất trong khu vực.
Theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt, lĩnh vực BĐS nhà ở chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn bởi các lệnh cấm du khách nhập cảnh, làm gián đoạn việc khảo sát và thực hiện các giao dịch của khách nước ngoài, trong đó lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm tỉ lệ lớn nhất trong các giao dịch BĐS với khách nước ngoài.
Tuy nhiên, các nhà phát triển BĐS vẫn đang chuẩn bị các dự án mới để đáp ứng nhu cầu của khách trong và ngoài nước khi mức cầu phục hồi. Thời gian qua, thị trường chứng kiến khá nhiều các nhà đầu tư (NĐT) có tiềm lực mạnh đã và đang sẵn sàng mua và nhận chuyển nhượng các dự án từ chính các nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong lĩnh vực BĐS.
Trong đó, nhóm NĐT này nhắm tới cao ốc văn phòng, khách sạn và khu dân cư, trải dài trên cả 3 miền, tập trung nhiều nhất vào Hà Nội và Tp.HCM. Từ 2019 đến nay đã có một số dự án lớn đang trong quá trình thương thảo, đàm phán chốt "deal" với tổng giá trị lên tới nửa tỷ USD.
Còn theo bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao bộ phận thị trường vốn tại Việt Nam của JLL, sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đã gây ra một số gián đoạn cho thị trường bất động sản tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ vào các biện pháp ngăn chặn hiệu quả từ chính phủ, các hoạt động kinh doanh đang trở lại trạng thái bình thường vào đầu tháng Năm.
mặc dù hoạt động BĐS tăng trưởng chậm nhưng các tên tuổi quốc tế đã có mặt tại Việt Nam vẫn rất kiên trì với chiến lược đầu tư bằng cách tiếp tục tìm mua tài sản hoặc hợp tác với doanh nghiệp nội địa có uy tín.
Theo bà Khanh, phần lớn các thương vụ thành công đến từ những nhà đầu tư đã rất am hiểu về biến động rủi ro và nhu cầu thị trường, với mục đích tìm kiếm hiệu suất đầu tư tốt, hoặc mong muốn mở rộng danh mục đầu tư trong khu vực. Nhóm đầu tư mới tham gia vào thị trường sẽ có một chiến lược bảo thủ hơn. Mặc dù sở hữu nguồn vốn mạnh mẽ, nhưng các khoản đầu tư lớn dự kiến sẽ bị tạm dừng trong thời gian bất ổn, ngoại trừ các giao dịch đang trong quá trình triển khai.
"Với bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư thường ưu tiên giữ nguồn vốn và chỉ tập trung đầu tư vào các thị trường họ đã am hiểu. Các nhà đầu tư sẽ phải thực hiện thẩm định giá nhiều hơn, và do các chuyến bay đến Việt Nam bị hoãn sẽ làm chậm các giao dịch đang triển khai’, bà Khanh nhấn mạnh.
Hiện nhiều NĐT vẫn giữ bình tĩnh và lạc quan, họ cũng cam kết sẽ tiếp tục tham gia vào thị trường BĐS Việt Nam trong dài hạn. Theo JLL, các NĐT hiện đang chờ đợi thời cơ mới. Với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đang trở lại thì sẽ có nhiều giao dịch thành công hơn khi thị trường được dự kiến sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2020 hoặc 2021.
Theo đại diện đơn vị này, nhu cầu đối với tài sản văn phòng và nhà ở vẫn ổn định, trong khi các tài sản khu công nghiệp được dự báo là thị trường hứa hẹn nhất. Khi các nhà máy buộc phải đóng cửa trong đợt bùng phát dịch ở Trung Quốc, nhiều tập đoàn đã phải tính kế hoạch để vượt qua thời kỳ hạn chế sản xuất và tránh phụ thuộc vào một quốc gia
Theo đó, một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam từ năm ngoái, nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao.