Ông Vũ Trường Thắng, Tổng giám đốc Winhousing, là một nhà đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản đã có những chia sẻ xoay quanh câu chuyện về thị trường.
Nhà đầu tư này dự báo rằng: "Sự mất giá của đồng tiền và lạm phát tại Việt Nam sẽ xảy ra vào cuối năm 2022 và bước sang năm 2023. Thực tế đó là điều không tránh khỏi, chỉ là sớm hay muộn, nhanh hay chậm".
Theo ông Thắng: "Cơ sở của nhận định này đến từ việc Kho bạc Nhà nước đang đẩy mạnh hoạt động mua ngoại tệ. Đây là một động thái để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, giúp dòng vốn nước ngoài chảy vào Việt Nam mạnh mẽ hơn.
Thứ hai, chương trình phục hồi nền kinh tế với quy mô 800 nghìn tỷ đồng dự kiến sẽ được bơm vào nền kinh tế. Thứ ba, tiền ảo tăng cao kỷ lục. Nhiều cá nhân, nhiều tổ chức đã dần chấp nhận sự có mặt của đồng tiền này, và xem đây là một kênh đầu tư giống như chứng khoán, và thời điểm này rót tiền vào đầu tư.
Thứ tư, theo thống kê, có 1 triệu tài khoản chứng khoán được mở trong 10 tháng năm 2021. Như vậy, vì Covid nên nhiều người không dám đầu tư sản xuất mà tính đến kênh đầu tư nhanh.
Thứ năm, giá xăng dầu tiếp tục tăng cao trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế, nhu cầu đi lại giao thương, vận chuyển hàng hóa tăng cao.
Thứ sáu, nguyên vật liệu xây dựng tăng phi mã làm doanh nghiệp khó chồng khó. Các công trình bắt đầu triển khai xây dựng lại do gói đầu tư công được giải ngân. Các dự án được tiếp tục khi không còn giãn cách do Covid-19.
Thứ bảy, giá vàng đến ngày 11/11/2021 tiếp tục tăng gần 1 triệu đồng/lượng.
Đó chỉ là một vài tín hiệu cơ bản để thấy được lượng tiền trong thời gian tới sẽ có sự biến chuyển nhảy múa như thế nào?
Liên quan đến dự báo về mốc thời gian lạm phát sẽ xảy ra, ông Thắng cho rằng, Việt Nam bị ảnh hưởng của Covid-19 muộn hơn nhiều nước. Đó là lý do mà ông đưa ra mốc thời gian lạm phát bùng nổ vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023 khi lượng tiền lớn bơm về nền kinh tế. Lượng tiền sẽ bao gồm: Nguồn vốn của nhà nước gồm đầu tư công, gói phục hồi nền kinh tế an sinh xã hội; Nguồn vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam.
Đánh giá về tác động của lượng tiền bơm mạnh vào nền kinh tế, ông Thắng nhận định, như vậy, hạ tầng được xây dựng nhiều hơn. Các khu công nghiệp và cụm công nghiệp được đầu tư và thu hút nguồn vốn. Giá nguyên vật liệu, nhân công...tiếp tục tăng cao.
Vậy, tác động liên hoàn này sẽ ảnh hưởng tới thị trường bất động sản như thế nào? Ông Thắng nhận định, giá chung cư sẽ tăng cao. Ngay cả thời điểm hiện tại, các căn hộ mới có mức giá 1,5 tỷ hầu như đã "tuyệt chủng" ở Hà Nội. Các dự án không được phê duyệt mới trong khi quỹ đất ở trung tâm thành phố không còn nhiều. Các dự án đất nền sẽ thu hút người dân rút tiền tiết kiệm cất trữ vào.
Đưa ra nhận định về xu hướng bất động sản trong thời gian tới, ông Thắng dự báo, đất nền, bất động du lịch và bất động sản công nghiệp sẽ là phân khúc có tín hiệu tích cực. Nếu như đất nền được coi là kênh đầu tư giữ tiền tốt thì bất động sản du lịch sẽ được "cởi trói" sau khi chương trình tiêm vaccine được phủ rộng, và người dân có nhu cầu đi nhiều hơn sau thời gian bị "gông cùm". Trong khi đó, bất động sản công nghiệp lại hấp dẫn bởi đón làn sóng dự án bất động sản.