Chỉ tính trung bình 1 tháng trở lại, một công ty môi giới nằm ở Thạch Thất (Hà Nội) tiết lộ, đã nhận được 35 lời đề nghị của khách hàng nhờ rao bán đất hộ. Đáng chú ý, ngoài một số khách hàng không có nhiều năm kinh nghiệm bất động sản thì ngay cả nhà đầu tư chuyên "săn đất" khu vực này cũng tìm đến đơn vị môi giới. Lý do mà họ đưa ra, cần thêm các phương thức để tiếp cận nhóm khách hàng mới sau thời gian dài tự rao bán không thành.
Lãnh đạo đơn vị môi giới này chia sẻ, người nhờ bán thì nhiều. Họ thậm chí "gia lộc" mạnh tay vài chục triệu, có thể đến trăm triệu, tương đương mức cắt lỗ 10-15%. Nhưng ở phía người mua, nhu cầu lại sụt giảm thê thảm.
"Dù đăng tải liên tục trên các kênh bất động sản, trên nhóm diễn đàn và chạy quảng cáo và thậm chí gọi mời chào lại khách cũ nhưng mọi người đều nói: "Chưa muốn mua". Người nhờ bán thì nhiều, nhưng người mua thực sự ít".
Theo vị này, diễn biến người bán nhiều hơn người mua không chỉ diễn ra ở khu vực vùng ven Hà Nội mà tại nhiều tỉnh thành, tình trạng này khá phổ biến, nhất là trong khoảng 2 tháng trở lại đây.
Có 3 lý do khiến tình trạng này xuất hiện. Đầu tiên, người bán đang nhu cầu đẩy hàng đi vì không có khả năng cầm cự do nợ tiền ngân hàng lâu. Ngoài ra, họ lo ngại thị trường còn chững và đóng băng. Thứ hai, về phía người mua, họ cũng tâm lý dè dặt, xem chừng, cẩn trọng chờ diễn biến của thị trường. Hoặc, có người đang chờ thị trường xuất hiện sản phẩm giảm sâu hơn nữa để vào tiền. Theo vị này, hiện tượng nhiều người bán, ít người mua sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.
(Ảnh minh hoạ)
Báo cáo của các đơn vị phân tích thị trường cũng cho thấy mức độ quan tâm đến nhiều phân khúc bất động sản đã hạ nhiệt đáng kể so với trước đó. Trong tháng 4, mức độ quan tâm đến sản phẩm đất nền ghi nhận giảm 18% so với tháng liền trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong chia sẻ với báo giới, nhiều chuyên gia thẳng thắn chỉ ra khó khăn thách thức mà thị trường địa ốc đang đối mặt, đặc biệt là dấu hiệu thanh khoản chậm. Một số người vẫn ôm đất vì tâm lý neo tư duy – tức là kỳ vọng và tin rằng giá bất động sản sẽ không giảm, chỉ tăng do đất chật, người đông và các dự án đầu tư công đang được đẩy mạnh.
Mặt khác, vì tâm lý lạc quan quá đà nên họ gạt bỏ đi những diễn biến khó khăn thực tế mà thị trường đang phải đối mặt.
Đúng như ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản cho rằng, thị trường xuất hiện khó khăn. Nhưng doanh nghiệp địa ốc quảng cáo thị trường tốt. Còn thực tế, giao dịch đang sụt giảm.
Theo ông Quang, trong giai đoạn này, xuất hiện nhà đầu tư đang rút khỏi thị trường bởi áp lực lãi vay và chấp nhận bán cắt lỗ. Ông Quang khuyến nghị, một số nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể tìm thấy các sản phẩm giá tốt ở thời điểm này để mua nhưng các nhà đầu tư F0, ít kinh nghiệm thì dù ù hưng phấn cũng nên cảnh giác với những rủi ro nếu như bất động sản chững lại.
Báo cáo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đưa ra nhận định, trong bối cảnh lạm phát, mặc dù giá bất động sản tăng nhanh nhưng thanh khoản chậm, thị trường xuất hiện nghịch lý mua dễ, bán khó. Nhiều nhà đầu tư cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn, gây áp lực lên hệ thống ngân hàng,...
Trong khi đó, TS. Đinh Thế Hiển đánh giá, thanh khoản trên thị trường đang giảm rất mạnh, người mua sẽ không dám mua còn người bán đang do dự, không muốn giảm giá nhiều.
Ông Hiển cho hay, giá đất tăng của thị trường hiện nay chủ yếu do môi giới thổi. Tình trạng này đang diễn ra ở những vùng đô thị không lớn hoặc những vùng nông thôn. Ông Hiển cho rằng, vấn đề của thị trường đang nằm ở việc, thực tế mua – bán khó, nhưng môi giới, một số nhà đầu tư, doanh nghiệp vẫn "thể hiện" thị trường đang tốt.
Theo ông Hiển, mua bán bất động sản hiện nay có tình trạng giá trên thị trường và giá giao dịch thực sự không hoàn toàn giống nhau. Người muốn mua thì không tìm được đúng người bán mà họ cần, dễ gặp phải cò đẩy giá.
#/nha-dau-tu-bat-dong-san-dang-co-tam-ly-tham-do-de-chung-20220621063205957.chn