Nguy cơ vỡ tiến độ các dự án giao thông Hà Nội

Mặc dù được thành phố Hà Nội cho phép thi công, nhưng do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều dự án giao thông cấp bách, trọng điểm Hà Nội đang đối diện nguy cơ vỡ tiến độ.

Theo kế hoạch, đến thời điểm này, hạng mục mở rộng lòng đường nút giao tại dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 phải được thảm nhựa để thực hiện phân luồng, tổ chức giao thông phục vụ thi công hầm chui. Tuy nhiên, đến nay toàn bộ vỉa hè, đảo giao thông tại nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3 vẫn chưa được cào bóc, thảm nhựa phục vụ việc mở rộng nút. Hướng Lê Văn Lương rẽ sang Vành đai 3 (Khuất Duy Tiến) đang thi công mặt bằng dở dang; hướng Vành đai 3 rẽ sang Tố Hữu (Lê Văn Lương kéo dài) nhiều đoạn mặt bằng vẫn chưa được giải phóng.

Ông Đặng Anh Tuấn, đại diện nhà thầu - Cty CP Ficon Việt Nam thi công hạng mục mở rộng lòng nút giao cho biết, từ tháng 5 đến nay, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc thi công hạng mục đường cánh gà. Riêng trong 2 tuần qua, dự án có kế hoạch thảm nhựa một số đoạn nhưng do xe chở nguyên vật liệu phục vụ dự án không có giấy “luồng xanh” nên không thể chạy trên đường.

Đối với các công trình trọng điểm, dự án cấp bách, UBND thành phố Hà Nội giao Sở GTVT, Sở Xây dựng kiểm tra theo các kiến nghị của chủ đầu tư, đơn vị thi công. Sau khi kiểm tra, Sở GTVT thực hiện cấp mã xác nhận cho các xe có đủ thủ tục phục vụ các công trình trọng điểm, cấp bách được hoạt động trên đường.

Tại công trường cầu vòm sắt vượt hồ Linh Đàm đường Vành đai 3 dưới thấp, đại diện các nhà thầu cho biết, tuy là một trong các dự án được thành phố Hà Nội cho phép thi công khi giãn cách, nhưng do phương tiện xe tải phục vụ công trường không thể hoạt động nên các đơn vị cung cấp vật liệu tại các tỉnh, thành phố lân cận không thể cho xe vào Hà Nội. Tình trạng này dẫn đến công trường thi công cầm chừng. “Hiện chúng tôi đang thực hiện các phần việc đúc các trụ dầm. Trước đây, vật liệu sắt, đá sỏi, cát và phương tiện máy móc sẵn sàng, nhà thầu chỉ hết 3 ngày đúc xong 1 trụ dầm, nhưng nay vừa làm vừa chờ vật liệu nên đến 7 ngày chưa xong một trụ dầm”, đại diện nhà thầu nói.

Tại dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban Quản lý dự án (QLDA) Đường sắt đô thị Hà Nội - MRB cho biết, là dự án trọng điểm được phép thi công liên tục nhưng 2 tuần đầu, khi thành phố thực hiện giãn cách, phương tiện vận chuyển vật liệu, phục vụ dự án cũng phải dừng hoạt động.

Cấp mã xe tải, công nhân không ra khỏi công trường

Đề cập tiến độ thảm xong lớp bê tông nhựa để tạo các nhánh đường găng, phục vụ đóng nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3, đóng hàng rào để thi công hầm chui, ông Đặng Anh Tuấn, đại diện nhà thầu là Cty CP Ficon Việt Nam cho biết, nếu được các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn về lưu thông của xe chở nguyên vật liệu thì từ nay đến cuối tháng 8/2021 việc thảm nhựa và làm đường nhánh sẽ xong.

Còn tại dự án cầu vòm sắt dành cho xe máy vượt hồ Linh Đàm, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (chủ đầu tư) cho biết, do khó khăn do dịch COVID-19 từ đầu năm đến nay, trong 2 tuần qua dự án lại không thể huy động phương tiện cung cấp vật liệu, vì vậy kế hoạch cầu thông xe vào dịp 10/10 (ngày Giải Phóng Thủ đô) là khó khả thi.

Thành phố cho công trường dự án giao thông cấp bách, trọng điểm được thi công nhưng với lý do không phải chở hàng thiết yếu nên lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát đã không cho xe công trường lưu thông, các đơn vị thi công và chủ đầu tư các dự án đã có kiến nghị với UBND thành phố Hà Nội.

Để tháo gỡ tình trạng này, cùng với đồng ý cho xe chở công nhân các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất và xe chở chuyên gia được cấp mã xác nhận, UBND thành phố Hà Nội cũng vừa đồng ý cho cả xe chở vật liệu phục vụ các dự án giao thông cấp bách, trọng điểm được cấp mã xác nhận để lưu thông trên đường.

Với việc huy động công nhân tại các dự án, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng vừa có yêu cầu, công trình thi công phải được khép kín bằng hàng rào xung quanh để luôn độc lập với bên ngoài. Nhân sự thi công tại dự án trong đó có công nhân phải thực hiện theo nguyên tắc “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) không tiếp xúc với bên ngoài công trường trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách.