Luật Đất đai (sửa đổi) có thể khiến giá và nguồn cung tăng
Theo ông Đinh Minh Tuấn - chuyên gia bất động sản (BĐS), giá đất sẽ tăng một cách bền vững bởi Luật Đất đai (sửa đổi) thúc đẩy việc định giá đất sát với mặt bằng giá của thị trường và nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Cụ thể, theo Luật Đất đai (sửa đổi), sẽ bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo cơ chế thị trường. Điều này sẽ đảm bảo quyền lợi đền bù cho các đối tượng có đất nằm trong diện thu hồi.
Ngoài ra, dự luật có quy định đất kết hợp sử dụng đa mục đích, chuyển đổi đất nông nghiệp góp phần tích tụ đất đai cho sản xuất; quyền cho thuê, liên doanh liên kết đối với đơn vị sự nghiệp công lập; nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp đối với đối tượng không phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp; mở rộng trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất… tất cả những quy định này sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần tăng giá các loại đất từ đất nông nghiệp, đất phi thương mại,... từ đó gia tăng giá bất động sản nói chung.
Thứ hai, nguồn cung BĐS sẽ được cải thiện. Một trong những lý do khiến nhiều dự án bị trì hoãn kéo dài là khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng do đền bù không thỏa đáng. Cơ chế định giá theo thực tế thị trường sẽ hỗ trợ quỹ đất được triển khai nhanh hơn.
Nếu như trước đây việc tiếp cận đất đai không được quy định rõ ràng, thì hiện đã có các quy định cụ thể trong Luật Đất đai (sửa đổi), xác định loại đất nào sử dụng cho thương mại, loại đất phục vụ nhu cầu nào thì phải qua đấu thầu, đấu giá. Khi các chủ đầu tư có phương thức, quy định rõ ràng hơn để tiếp cận quỹ đất, nguồn cung ra thị trường sẽ không còn khan hiếm như hiện tại.
Luật cũng có các quy định nhằm gia tăng cơ hội tiếp cận đất cho nhiều người dân hơn, bảo vệ đầy đủ hơn quyền lợi của họ, bao gồm việc mở rộng phạm vi quyền sử dụng đất cho công dân Việt Nam, kể cả những người định cư, sinh sống ở nước ngoài; chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số; quyền và lợi ích của người bị thu hồi đất, triển khai quy hoạch sử dụng đất; thủ tục hành chính, cấp giấy chứng nhận cho người dân, doanh nghiệp (ví dụ nhận chuyển nhượng dự án BĐS, tự động gia hạn đối với đất nông nghiệp).
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng định không nên quá kỳ vọng việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ khiến cho thị trường phục hồi nhanh chóng, vì sẽ có độ trễ khoảng 8 – 12 tháng để Luật thẩm thấu và thực thi.
Xu hướng đi thuê nhà tăng trong năm 2024
Trải qua một năm tình hình kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng đối diện nhiều thử thách, với nhiều người dân, hiện nay thuê nhà trở thành phương án bắt buộc chứ không còn là lựa chọn. Theo giới tư vấn BĐS, năm 2023, xu hướng và tâm lý phổ biến của người tiêu dùng là “ưu tiên sự linh hoạt” chiếm tỷ trọng lớn nhất (38%); “không muốn mua nhà vì giá chưa hợp lý” chiếm 29% và “không đủ tiền mua nhà” chiếm 26%. Tuy nhiên dự báo sang nửa đầu năm 2024, “không đủ tiền mua nhà” đã trở thành lý do hàng đầu khiến người dân lựa chọn thuê nhà, chiếm 33%. Động lực thuê nhà vì “ưu tiên sự linh hoạt” đã giảm tỷ trọng xuống, chỉ còn 27%.
Có thể thấy, xu hướng đi thuê do tài chính chưa cho phép việc sở hữu BĐS tăng lên trong nửa đầu năm 2024. Trong đó, chung cư là loại hình bất động sản được người thuê quan tâm nhiều nhất (43%), sau đó là nhà riêng (18%) và nhà trọ (18%), chỉ một bộ phận nhỏ (9%) quan tâm đến nhà phố cho thuê.
Ông Lê Bảo Long - chuyên gia lĩnh vực BĐS cho hay, phần lớn người Việt chỉ sẵn sàng dành từ 10% - 30% thu nhập cho việc thuê nhà mỗi tháng. “Hiện nay mức giá cho thuê nhà trọ trung bình ở Hà Nội và TPHCM lần lượt là 3,5 và 4,8 triệu đồng, còn giá cho thuê chung cư trung bình tại 2 thành phố này là 12,5 - 13 triệu đồng. Điều này đồng nghĩa với việc, để một người/hộ gia đình đủ tài chính thuê nhà, thì tổng thu nhập mỗi tháng của họ phải từ 15 – 20 triệu đồng nếu chọn nhà trọ, và 30 - 40 triệu đồng nếu thuê chung cư. Đây không phải là mức thu nhập thấp với đa số người Việt. Vì vậy, mặt bằng giá thuê nhà neo cao đang là một trở ngại với người dân” - ông Long nói.
“
Một nghiên cứu BĐS cho biết, để khắc phục khó khăn tài chính, người thuê chủ động tìm BĐS có diện tích nhỏ hơn hoặc nằm ở vị trí xa trung tâm hơn. Nửa đầu năm 2024, dự báo 67% người tiêu dùng BĐS dự định sẽ thuê nhà nhỏ hơn, 27% sẽ thuê nơi xa hơn, 20% cho biết sẽ sống với nhiều người hơn, 13% sẽ thuê nơi có ít tiện ích hơn. Trong bối cảnh đa số người thuê đang cố gắng thắt chặt ngân sách và kỳ vọng vào một mức giá hợp lý hơn, 70% chủ nhà cũng sẵn sàng giảm giá thuê với mức giảm phổ biến là dưới 10%.