Vì sao nhiều người chọn bất động sản?
Trong một khảo sát nhỏ với 5 lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản đến từ Hà Nội, khi được hỏi "cơ duyên nào khiến ông bén duyên vào nghề địa ốc", câu trả lời chung của họ chính là: "Bất động sản là nghề để thực hiện được giấc mơ tự do về tài chính, đạt được mốc mục tiêu về số triệu đô la".
Bởi chính họ cũng cho rằng, trải qua nhiều nghề kinh doanh, nhưng khi đọc các cuốn sách về nhân vật nổi tiếng, thì đa phần các tỷ phú đều có xuất phát điểm từ bất động sản.
Đến khi thực nghiệm làm nghề, họ càng cảm thấy bị "cuốn hút" bởi công việc khi chứng kiến mức thu nhập mà đồng nghiệp nhận được, khi trải qua muôn thử thách để trau dồi kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm.
(Ảnh minh hoạ)
Anh T.K. (lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội ), thế hệ đời đầu 9X, hiện sở hữu doanh nghiệp địa ốc chuyên phân phối dự án. Từ một người không bằng cấp, không kinh nghiệm, bước chân vào lĩnh vực bất động sản khởi điểm là môi giới. 3 năm vào nghề, anh chính thức mở công ty. 2 năm sau, công ty anh đã có quy mô tới 15 người và thu nhập trung bình mỗi nhân viên có thể lên tới hàng trăm triệu đồng/1 tháng. Chính anh tâm sự rằng, không nghĩ có một ngày bản thân đứng ở vị trí như vậy. Và anh thừa nhận, nhờ kinh doanh và đầu tư bất động sản, anh mới có thể gây dựng được cơ đồ.
Anh Mạnh Tú, CEO An Vượng Real, cũng là câu chuyện điển hình về khởi nghiệp từ bất động sản khá thành công. Từng thất bại kinh doanh bán gà rán sau khi mở được chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh, anh Tú chuyển sang chọn bất động sản. Anh muốn có cơ hội được gặp gỡ với những người thành công. Bởi như một quy luật hấp dẫn hoặc đơn giản là việc, khi tiếp xúc với người giỏi, bản thân sẽ học hỏi được nhiều hơn. Đến hiện tại, cũng chỉ trong vòng khoảng 4-6 năm, anh Tú dựng cơ nghiệp với tổng tài sản lên tới hàng chục tỷ đồng từ hai bàn tay trắng.
Muôn nỗi khổ của nghề môi giới
Nhìn những tấm gương trẻ tuổi giàu lên từ bất động sản, hẳn ai cũng nghĩ rằng: "Làm bất động sản dễ giàu. Thế nên mới có suy nghĩ về nghề môi giới: "Chốt được một hợp đồng, ăn cả năm".
Thực tế, theo nhà đầu tư bất động sản giàu kinh nghiệm, nếu chỉ chuyên là nghề môi giới, thì thu nhập không chỉ bấp bênh mà đó còn là nghề bỏ ra rất nhiều công sức. Như chia sẻ của anh Tú, CEO An Vượng Real, để vào nghề, anh phải mất hơn 1 tháng mới chốt được hợp đồng đầu tiên. Nhưng trước đó, anh phải chi rất nhiều khoản như tiền xăng xe, tiền điện thoại, chi phí cafe mời khác. Đó còn chưa kể khoảng thời gian nỗ lực dậy từ sớm về về nhà không bao giờ trước 10 giờ đêm. Những ngày cuối tuần, anh Tú kể, thường xuyên xuất hiện ở hội thảo để giới thiệu tư vấn đất cho khách. Nhưng mỗi hợp đồng chốt thành công thì mức hoa hồng chỉ trung bình 20-50 triệu đồng.
Theo anh M. (lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản đến từ Hà Nội), chi phí hoa hồng cho mỗi giao dịch là 1% trên tổng giá trị tài sản. Trung bình môi giới chung cư, giá hoa hồng sẽ chỉ từ 20-30 triệu đồng/thương vụ thành công như môi giới lo từ A đến Z như tự bỏ chi phí quảng cáo chạy tìm kiếm khách hàng, hoặc tiền điện thoại, cà phê. "Không phải môi giới nào cũng chốt được hợp đồng liên tục. Có tháng họ chỉ được 1 cái. Tháng nhiều được vài cái nhưng có đợt dịch hoặc giai đoạn thị trường chững, cũng không có hợp đồng nào. Chưa kể, môi giới bán dự án phân phối, bán thành công đến 10 giao dịch mà có khi gặp phải cảnh, gần 2 năm không đòi được hoa hồng".
Anh M kể: "Tôi có đứa em làm môi giới dự án. Bỏ tiền chạy quảng cáo dự án, và chốt được liên tục hợp đồng. Nhưng sàn thì đổ cho chủ đầu tư nên cuối cùng mãi chưa đòi được tiền hoa hồng. Vất vả bao năm cùng anh em môi giới khác chỉ đi làm đơn, gõ cửa đòi tiền mất thời gian và công sức".
Thế nên, lời truyền tai nhau "chốt một hợp đồng mà ăn cả năm" là điều khó tưởng. Trừ khi đó là nhà đầu tư buôn đất, chốt lời một lô, no đủ cả năm. Nhất là khi hiện tại, môi giới đối mặt với vô vàn khoản chi phí và sức ép cạnh tranh.
Chia sẻ về cách kiếm tiền từ bất động sản, anh Tú hay anh K., anh M. đều chung quan điểm cho rằng: "Phải đầu tư bất động sản thì tiền mới ra tiền. Nếu chỉ làm môi giới đơn thuần thì sẽ không có tiền tích luỹ". Nhưng để trở thành nhà đầu tư, con đường trưởng thành nhất chính là phải bắt đầu tư nghề môi giới.
#/nguoi-ngoai-thuong-nghi-moi-gioi-chot-mot-hop-dong-an-ca-nam-nhung-thuc-te-co-phai-nhu-vay-20220418140937143.chn