Người mua bất động sản xem hiện tại là cơ hội “dìm giá” người bán

Khách thiện chí mua nhưng liên tục nhắn môi giới vào “ép giá” chủ nhà khiến nhiều môi giới chấp nhận mất giao dịch, vì biết “có ép cũng không được”.

Anh Tuấn đang rao bán căn nhà phố 8 tỉ đồng tại khu Đông Tăng Long, quận 9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) cho một khách hàng gửi từ đầu tháng 8/2023. Đây là căn nhà đã giảm 2,5 tỉ đồng so với giá thị trường đầu năm 2022. Dù vậy, khi đăng tin rao bán có một khách hàng gọi điện kêu anh trả giá với chủ nhà xuống còn 5,5 tỉ đồng. Đồng thời, vị khách này còn liên tục nhắn tin cho anh Tuấn nhờ tìm các căn nhà giá thật ngộp, giảm từ 50-60%, có thể mua một lúc nhiều căn.

Dù biết là khách có sẵn tiền và thiện chí mua bất động sản nhưng với việc nhờ ép giá sâu bên bán khiến anh Tuấn không thể kết nối. “Mới đây, tôi gọi điện thương lượng giá cho một khách đầu tư, giảm khoảng 50% giá mảnh đất nền mà một chủ đất tại quận 2 gửi bán. Họ đã nóng nảy với tôi và sau đó gần như cắt liên lạc. Kiểu chủ nhà nghĩ mình đang “đùa giỡn” với họ”, anh Tuấn kể.

Cũng kể từ lần đó, anh Tuấn hiểu rằng, bên bán dù có khó khăn dòng tiền nhưng không phải bán bằng mọi giá. Vì thế, khi tư vấn cho khách hàng, anh sẽ lựa lời để nói bên mua. Tuy vậy, cũng có không ít khách mua nghĩ rằng, giá chủ nhà đưa ra còn cao, chỉ “xuống tiền” khi giá thật ngộp hoặc tìm mọi cách thương lượng cho giá xuống tiếp.

“Có một số khách mua theo nhóm lần theo thông tin môi giới rao như người bán đang ngộp thở nên vào trả giá hoặc liên hệ môi giới vào ép giá chủ nhà. Tuy nhiên, từ trước đến nay, phần lớn giữa thông tin chủ nhà rao đến giá chốt chỉ cách nhau khoảng giá thương lượng từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng là cao. Lý do, bên bán họ đã căn vào thị trường thời điểm này để đưa ra mức giá bán. Giá rao đã giảm so với kì vọng trước đó của họ”, anh Tuấn cho hay.

Người mua bất động sản xem hiện tại là cơ hội “dìm giá” người bán - Ảnh 1.

Cùng nỗi khổ, một môi giới tự do khu Đông Tp.HCM mới đây chia sẻ, có khách gọi điện nói rằng: “Em kiếm hàng nào thật ngộp để dễ ép”. Thế nhưng, theo môi giới này, để đáp ứng được yêu cầu của khách mua rất khó vì còn phụ thuộc vào người chủ nhà.

“Dù được giới thiệu căn nhà, lô đất là hàng ngộp thật nhưng bên mua vẫn muốn trả xuống thêm mới mua. Trong khi người bán lại kiên quyết không bán ra với mức giá trả. Thành ra, thị trường có người bán – người mua nhưng giao dịch phát sinh rất ít”, môi giới này giãi bày.

Trong chia sẻ mới đây, ông Phan Vi, một môi giới chuyên nhà đất tại Tp.HCM cho rằng, thực tế việc ép giá từ người bán một phần đến từ thông tin rao bán lẫn lộn của môi giới nhà đất. Suốt thời gian qua, trên các trang đăng tin hầu hết môi giới đều đăng tin hàng lỗ, ngộp sâu… chính những thông tin này gây nên tâm lý muốn mua được giá “rẻ bèo” từ phía bên mua. Thế nhưng trên thực tế không phải chủ nhà nào cũng rơi vào tình trạng như lời môi giới rao. Vì thế, việc không “khớp” giữa tình trạng bên bán với nhu cầu tìm hàng của bên mua khiến giao dịch chưa gặp nhau. Môi giới cũng rơi vào tình trạng khó xử khi là bên kết nối mua – bán.

Theo những người trong cuộc, việc trả giá khi mua bán là chuyện bình thường của nhà đầu tư. Khi đầu tư ai cũng muốn tối ưu hoá lợi nhuận. Có nhiều bên bán dù giá bán ra không như kì vọng ban đầu nhưng vì bí bách dòng tiền nên vẫn phải bán. Ngược lại, nhiều người vẫn giữ giá và chấp nhận xoay sở dòng tiền giải quyết khó khăn trước mắt.

Tuy nhiên, khác với giai đoạn trước là mức độ trả giá, ép giá của người mua lúc này bị đẩy lên cao trào. Nhiều người ví von việc trả giá bên bán hiện nay của người mua giống như “ăn miếng trả miếng”. Hiện người đi mua bất động sản luôn nghĩ rằng, trước đến nay, họ đã phải mua giá cao, thì đây là cơ hội “dìm giá” người bán. Dù ép giá có thể không được nhưng biết đâu những người cần dòng tiền gấp vẫn phải bán ra.

Có thể thấy, dù những tín hiệu phục hồi của thị trường bất động sản đã “manh nha” và được dự báo sẽ quay trở lại sức mua và mặt bằng giá từ cuối năm 2023 trở đi. Tuy nhiên, tâm lý của người mua vẫn bị dao động khá nhiều. Chính tâm lý e dè thị trường đang là lực cản lớn nhất khiến thanh khoản bất động sản chưa phục hồi rõ nét.