Ngăn chặn phân lô bán nền tại khu vực chưa được phép đầu tư

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển trong đó nêu rõ ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Ngăn chặn phân lô bán nền tại khu vực chưa được phép đầu tư - Ảnh 1.

Trên địa bàn thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) xuất hiện rất nhiều khu vực phân lô, rao bán đất nông nghiệp.

Chỉ thị nêu rõ, quản lý, ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản .

Rà soát các dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai; trên cơ sở đó phối hợp với cơ quan liên quan xem xét, hướng dẫn xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật khác liên quan để đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, định hướng phát triển phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản bảo đảm đồng bộ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai, hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất ban hành quy định hướng dẫn trình tự triển khai thực hiện đối với dự án nhà ở, khu đô thị.

Thường xuyên theo dõi sát tình hình, diễn biến của thị trường bất động sản; hàng quý có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh doanh bất động sản, thị trường bất động sản trên phạm vi cả nước và kiến nghị giải pháp để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kinh doanh bất động sản, hoạt động sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở, kinh doanh bất động sản để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng các dự án kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến tình trạng phân lô bán nền, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia chỉ rõ: Trên thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp đa phần là vừa và nhỏ, có năng lực tài chính khiêm tốn, thường phải tiếp cận đất đai, thực hiện các dự án phân lô, bán nền (tất nhiên phải đảm bảo các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, khả năng tài chính theo quy định) để thu hồi vốn nhanh, đảm bảo dòng tiền và tiếp tục phát triển các dự án mới quy mô hơn.

Bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng nhìn chung chưa đồng bộ, kể cả các thành phố lớn, đô thị đặc biệt, do đó, việc phân lô, bán nền cũng tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng địa phương để cấp phép, phê duyệt cho phù hợp.

Ngăn chặn phân lô bán nền tại khu vực chưa được phép đầu tư - Ảnh 2.

Các chuyên gia cho rằng cần ban hành một quy định chung về việc đất đai phân lô, bán nền (Ảnh: LV)

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa cần phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm về việc phê duyệt dự án và chịu trách nhiệm tối đa về việc quản lý các dự án phân lô, bán nền, song song với đó, cần tăng cường vai trò giám sát của cơ quan quản lý chuyên ngành.

Cần ban hành một quy định chung về việc đất đai phân lô, bán nền phải đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chí gì, còn cấp nào phê duyệt, quản lý chỉ cần căn cứ vào tiêu chí đã được ban hành và quy hoạch của từng địa phương.

Để quản lý tốt việc phân lô, bán nền, hạn chế tối đa những mặt hạn chế thời gian qua, cần có các giải pháp, quy định về việc đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về đất đai ở các cấp, các ngành; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, xây dựng sai phép, lừa đảo, bán dự án ma…

"Trong nền kinh tế thị trường, cần thiết sử dụng các công cụ tài chính để dần thay thế các mệnh lệnh hành chính cứng nhắc, đảm bảo cho thị trường quan trọng như bất động sản được vận hành một cách thông suốt, hiệu quả" - TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định.