Thủ tướng thúc khẩn trương sửa Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp

Bộ Tài chính khẩn trương sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước, và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững vừa được Phó thủ tướng Lê Văn Thành ký ban hành.

Theo đó, tại chỉ thị trên, đề cập đến việc phát hành và giao dịch trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tài chính khẩn trương sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.

Hai bộ gồm: Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.

Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, hoạt động huy động vốn (bao gồm hoạt động phát hành trái phiếu) của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán đúng quy định pháp luật; tạo điều kiện, không làm cản trở các doanh nghiệp (có đủ năng lực, kết quả hoạt động kinh doanh tốt, lành mạnh...) có thể huy động vốn để hỗ trợ phục hồi, phát triển.

Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế phù hợp với thực tế đối với bất động sản nhằm góp phần khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất, đảm bảo động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi, giám sát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, cho vay đối với lĩnh vực bất động sản bảo đảm đúng quy định của pháp luật; khẩn trương xem xét ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ.

Liên quan đến việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, tại tọa đàm “Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững” được tổ chức mới đây, Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến hết tháng 6/2022, nguồn vốn tín dụng BĐS đã tăng vượt 14%.

Theo đó, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm ngoái, cao hơn so với mức 9,35% tăng trưởng tín dụng chung và chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Trong đó, tín dụng đối với BĐS kinh doanh tăng 8,19%, chiếm 33%; tín dụng phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 17,2%, chiếm 67%.

Về kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đến tháng 7, toàn thị trường phát hành hơn 200 nghìn tỷ đồng (giảm 15% so cùng kỳ); trong đó nhóm doanh nghiệp BĐS phát hành 45.000 tỷ (chiếm 22,4%), giảm 40% so với cùng kỳ năm 2021.

TS. Cấn Văn Lực nêu thực tế, gần đây hiện tượng đọng vốn cho doanh nghiệp là một điều nhức nhối. Hiện có khoảng 30 - 40% các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, xây lắp đang nợ đọng lẫn nhau với số tiền khoảng 60.000 tỷ đồng. Trước đây các doanh nghiệp thường gia hạn cho nhau 45 ngày nhưng hiện nay đã lên tới 90 ngày. Do đó, vòng quay tiền chậm đi và đây là một khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản.

Theo vị chuyên gia, nếu dòng vốn vào BĐS bị nghẽn sẽ làm giảm nhiệt thị trường và thực tế thị trường đang trầm lắng. Bên cạnh đó, làm tăng sự mất cân đối cung - cầu bất động sản (cung không thể tăng, cầu không giảm….), dự án có thể bị dở dang, thanh khoản thị trường bất động sản giảm, nợ xấu theo đó tăng, chứng khoán giảm, kéo theo giảm đà phục hồi kinh tế...

Ông Lực cho rằng, hiện nay dư địa cho vay BĐS vẫn còn, đặc biệt là phân khúc nhà ở và những phân khúc thiếu nguồn cung khác.

"Tôi đồng tình chỉ tăng trưởng trên cơ sở kiểm soát được rủi ro. Tuy nhiên, kiểm soát rủi ro nhưng vẫn phải để thị trường phát triển", ông Lực nói. Ông dẫn chứng bài học từ Trung Quốc, vừa rồi nước này siết siết thị trường BĐS rất chặt, sau đó lại phải giải cứu. Nếu Việt Nam không cẩn thận sẽ giống Trung Quốc”, ông Lực nói và nhấn mạnh “việc kiểm soát và ứng xử hợp lý là vô cùng quan trọng”.