Anh N.V.H (SN 1983), sinh sống tại khu dân cư (KDC) An Trung, (phường Tân Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), cho biết anh đã mua đất và làm nhà tại dự án này từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Không chỉ anh H. mà các hộ dân ở đây nhiều lần kiến nghị cũng như làm đơn gửi các cấp chính quyền song sự việc vẫn đang giậm chân tại chỗ.
Thiệt đơn, thiệt kép
Theo anh H., thời điểm đó anh và nhiều người khác mua đất dưới hình thức "hợp đồng đặt cọc", "hợp đồng hợp tác đầu tư", mỗi nền dao động từ 300 triệu đồng đến gần 1 tỉ đồng, đã đóng tiền 70% giá trị hợp đồng, chờ nhận sổ đỏ như thỏa thuận. Thế nhưng, hơn 8 năm nay, dự án vẫn "án binh bất động", khách hàng càng lo lắng hơn khi chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để tiếp tục thực hiện dự án.
"Sự chậm trễ này đã gây nhiều thiệt hại cho gia đình như việc nhập hộ khẩu, xin học cho con, các công việc quản lý hành chính và nhất là không thể dùng tài sản hợp pháp của mình để thế chấp, bảo lãnh các khoản vay tín dụng để có vốn kinh doanh" - anh H. bức xúc.
Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri phường Tân Bình, người dân phản ánh trên địa bàn ngoài dự án nêu trên còn có 3 dự án khác gồm: Dự án khu nhà ở công nhân Tân Bình của Công ty CP Trung Thành; khu nhà ở Đông Bình Dương của Công ty TNHH Phát triển Đô thị Đông Bình Dương và khu nhà ở Đất Mới của Công ty CP Đất Mới, cư dân cũng đang mòn mỏi chờ sổ đỏ dù đã vào ở từ lâu.
Dự án KDC An Trung sau hơn 8 năm triển khai vẫn còn ngổn ngang và có nguy cơ không thể ra sổ được cho người dân
Riêng dự án KDC An Trung của Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng An Trung, tháng 1-2020, UBND tỉnh Bình Dương đã giao Sở Xây dựng, UBND TP Dĩ An rà soát, báo cáo tình hình thực hiện dự án. Ngày 12-6-2020, tại buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh, đại diện Công ty An Trung cho biết trong dự án có một phần diện tích doanh nghiệp không thỏa thuận bồi thường được cho các hộ dân. Do đó, chủ đầu tư đang phối hợp với các cơ quan đề xuất UBND tỉnh loại bỏ phần diện tích này ra khỏi ranh giới dự án và thực hiện điều chỉnh quy hoạch. Vì vậy, Công ty An Trung kiến nghị tạm ngưng việc xác định giá đất của dự án. Sau khi quy hoạch chi tiết được phê duyệt, chủ đầu tư sẽ tiếp tục lập các thủ tục về đất đai theo đúng quy định.
Sở TN-MT tỉnh Bình Dương đã đề nghị Công ty An Trung có văn bản báo cáo cụ thể để làm cơ sở triển khai thực hiện nhưng đến nay công ty vẫn chưa báo cáo...
Xử lý các trường hợp vi phạm
Bà Nguyễn Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Dương, cho biết các dự án chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng, bởi vì chỉ khi hoàn thành cơ sở hạ tầng, nghiệm thu thì sở mới tiến hành ra sổ cho người dân được. "Hiện nay, tất cả các dự án mà người dân phản ánh chưa có sổ là đều do từ phía doanh nghiệp" - bà Thúy khẳng định.
Bà Nguyễn Ngọc Thúy cho biết bên cạnh yếu tố năng lực tài chính của chủ đầu tư còn có nguyên nhân là người dân khi mua dự án không tìm hiểu, dễ tin lời "cò", rồi vội vàng làm các hợp đồng đặt cọc, đặt chỗ. "Giữa người dân và doanh nghiệp có ràng buộc với nhau trên cơ sở hợp đồng đặt cọc, đặt chỗ. Theo quy định, liên quan đến hợp đồng dân sự giữa người dân với chủ đầu tư là phải khởi kiện ra tòa để giải quyết. Chính vì vậy, nhiều lần Sở TN-MT phối hợp với một số cơ quan chức năng hướng dẫn người dân khởi kiện chủ đầu tư ra tòa nhưng đa phần họ lại không muốn kiện mà yêu cầu nhà nước giải quyết" - bà Thúy nói.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho hay UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như thành lập tổ giải quyết khó khăn vướng mắc các dự án bất động sản; tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra một số dự án cụ thể trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, chỉ đạo Sở Xây dựng, các ngành, các cấp phối hợp làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư rà soát làm rõ những vấn đề tồn tại của từng dự án; đối thoại, tuyên truyền, giải thích, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để xử lý theo đúng quy định pháp luật, vừa có tình, có lý, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển vừa bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, rà soát, xử lý các dự án bất động sản; kiến nghị Bộ Xây dựng hoàn thiện các quy định pháp luật về nhà ở, về kinh doanh bất động sản; nắm bắt tình hình tại dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu phát sinh tranh chấp, khiếu nại.
Bên cạnh đó, thông tin đầy đủ, kịp thời các dự án bảo đảm pháp lý, đủ điều kiện kinh doanh sản phẩm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình triển khai dự án để kịp thời chấn chỉnh và nghiêm túc xử lý các trường hợp vi phạm nếu có.
Thanh tra toàn diện việc phân lô, bán nền
Mới đây, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Bình Dương khẩn trương có biện pháp chấm dứt ngay việc phân lô, tách thửa tự phát, xây dựng trái phép, sử dụng đất trái quy định; thực hiện thanh tra toàn diện việc phân lô, bán nền trái phép trên địa bàn tỉnh để xử lý các sai phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp sai phạm đến mức phải xử lý hình sự thì chuyển hồ sơ cho cơ quan CSĐT Công an tỉnh xử lý theo quy định pháp luật.