Một doanh nghiệp bất động sản bất ngờ mang về doanh số hơn 1.000 tỷ đồng sau 3 ngày công bố giỏ hàng tại một khu biệt thự phía Tây TP.HCM

Trong chia sẻ mới đây, đại diện Nam Long cho biết, chỉ sau 3 ngày công bố giỏ hàng The Aqua, Park Village thuộc khu đô thị Waterpoint 355ha (Bến Lức – Long An), doanh số pre – sale báo về đạt hơn 1.000 tỷ đồng.

Theo đơn vị này, sau khi kí kết với 17 đại lý phân phối để khởi động giai đoạn triển khai mới dự án Waterpoint 335ha tại phía Tây TP.HCM (ngày 18/3/2025), thì giỏ hàng biệt thự, dinh thự The Aqua, Park Village thuộc KĐT được công bố. Chỉ sau 3 ngày trình làng, phân khu mang về doanh số pre-sale 1.000 tỷ đồng cho Nam Long.

Thông tin này khá bất ngờ trong bối cảnh phân khúc bất động sản cao cấp, hạng sang chưa hoàn toàn hồi phục tại thị trường phía Nam. Từ con số cho thấy, các dự án quy mô lớn tại đô thị vệ tinh TP.HCM được đầu tư tiện ích bài bản, chủ đầu tư uy tín vẫn ghi nhận tỷ lệ hấp thụ khá tốt. Việc loạt sàn phân phối đồng loạt trở lại thị trường và tập trung vào các dự án lớn đã đem lại kết quả khả quan.

Trước đó, vào quý 4/2024, Nam Long đạt doanh số 5.200 tỷ đồng, tăng 140% so với năm 2023. Trong đó, Tập đoàn đã thực hiện bàn giao vượt kế hoạch dự án Akari (hơn 1.400 căn) và Central Lake Cần Thơ, qua đó giúp doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến so với các quý trước. Cả hai dự án này mang lại dòng tiền đáng kể cho Nam Long. Cụ thể, Akari City thu được 45% giá trị hợp đồng, trong khi dự án Cần Thơ thu được 95% giá trị hợp đồng tại thời điểm bàn giao. Điều này cũng giúp cho doanh thu và lợi nhuận ròng cả năm 2024 đạt kế hoạch đề ra là 506 tỷ đồng.

Hiện đơn vị này sở hữu 681 ha quỹ đất sạch cùng hệ dự án khu đô thị quy mô lớn rộng khắp tại các thị trường TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Cần Thơ, Hải Phòng. Riêng trong năm 2025, Nam Long sẽ ra mắt hơn 2.000 sản phẩm tại các phân khu mới thuộc giai đoạn 1 khu đô thị tích hợp Waterpoint (165ha), khu đô thị Izumi City (170 hecta), dự án Nam Long (II) Central Lake (Cần Thơ), dự án Nam Long - Đại Phước (45 hecta) và các dự án của Nam Long tại Hải Phòng.

Có thể thấy, việc nguồn cung nhà phố, biệt thự, villa tại TP.HCM ngày càng ít ỏi đã thúc đẩy nhu cầu sang các khu vực lân cận. Nhờ các tuyến hạ tầng kết nối ngày càng gần với TP.HCM, sức cầu gia tăng tại các khu vực như Long An, Bình Dương, Cần Thơ.

Báo cáo của Cushman & Wakefield cho thấy, chỉ có 27 căn nhà thấp tầng tại TP.HCM được chào bán trong quý 4/2024, giảm 90% so với quý trước. Cùng với đó, lượng hấp thụ giảm 76% so với quý trước do nguồn cung mới hạn chế. Giá bán sơ cấp trung bình cao 10.701 USD/m2 cũng là rào cản thanh khoản của loại hình nhà liền thổ TP.HCM. Năm 2025 dự báo nguồn cung phân khúc này có sự cải thiện song không “thấm vào đâu”.

Một doanh nghiệp bất động sản bất ngờ mang về doanh số hơn 1.000 tỷ đồng sau 3 ngày công bố giỏ hàng tại một khu biệt thự phía Tây TP.HCM

Nguồn cung mới nhà liền thổ TP.HCM ngày càng thụt lùi, thúc đẩy nhu cầu sang khu vực có sản phẩm đa dạng hơn.

Chia sẻ mới đây, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn rất lớn, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Tuy nhiên, sự hạn chế nguồn cung kéo dài đã thúc đẩy nhu cầu dịch chuyển sang vùng giá thấp hơn, nguồn cung đa dạng hơn.

Theo vị này, việc các chủ đầu tư tập trung vào phát triển các dự án quy mô lớn tại các thị trường vệ tinh của TP.HCM đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Điều này thấy khá rõ tại các dự án tại Bình Dương, Long An và Đồng Nai qua các năm trước. Việc các dự án tại các khu đô thị vệ tinh góp phần hỗ trợ nguồn cung sản phẩm cho TP.HCM trong các giai đoạn sụt giảm. Với mức giá thấp hơn, chủng loại sản phẩm đa dạng và quy mô tiện ích lớn, các sản phẩm này thu hút nhiều sự quan tâm của thị trường.

Tuy nhiên, để khẳng định rằng nhóm sản phẩm này có khả năng tăng giá mạnh hay không thì lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đầu tiên phải kể đến là sự quan tâm của nhà đầu tư, tiến độ triển khai dự án và giá trị thực tế của sản phẩm có đáp ứng nhu cầu khai thác và sử dụng.