Theo Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, lực lượng môi giới bất động sản đóng góp một cách tích cực vào giá trị cho nền kinh tế của quốc gia. Hằng năm, lực lượng này kết nối thành công cho các dự án, các nhà phát triển bất động sản với khoảng 200.000 sản phẩm đến từ thị trường sơ cấp, và nhiều hơn ở thị trường thứ cấp, giá trị giải phóng cho các dự án bất động sản khoảng nửa triệu tỷ đồng mỗi năm.
Thực tế các chuyên viên môi giới bất động sản tại Việt Nam phải chịu rất nhiều áp lực nặng nề. Trong số đó là doanh số bán hàng hay KPI. Nam chuyên viên môi giới bất động sản tên An (TP HCM) cho phóng viên biết nhiều đêm mất ngủ vì cứ tưởng tượng văng vẳng bên tai lời nhắc nhở của trưởng nhóm về doanh số.
"Chúng tôi có KPI về doanh số của năm, bổ xuống cho từng người. Nếu đạt được KPI sẽ có khoản thưởng kha khá và các lợi ích kèm theo", anh kể. "Có người còn được thưởng xe, nhà nếu doanh số vượt trội".
Tuy nhiên, để đạt được KPI, An phải đánh đổi bằng rất nhiều thứ như thời gian làm việc bất kể giờ giấc (phụ thuộc vào khách hàng), phải sống khác đi với tích cách của anh để phù hợp với đối tượng mua hàng đang nhắm tới... Và trong đó có " cắt máu ".
"Cắt máu" là động thái chuyên viên môi giới bất động sản (và các ngành khác như bảo hiểm, ngân hàng) trích hoa hồng cho khách hàng để đạt được mục đích cuối cùng là bán chạy hàng cho đủ KPI doanh số. Thậm chí, nhiều người sẵn sàng chi toàn bộ hoa hồng cho khách.
Theo chuyên viên An, "cắt máu" có thể diễn ra ở nhiều thời điểm khác nhau. Khi một người môi giới đã sắp đủ KPI, muốn "chốt số" thật nhanh thì đành dùng chiêu này. Một số trường hợp khác thì "cắt máu" như một cách tri ân khách hàng cũ nay mua lại hoặc nhờ khách hàng cũ giới thiệu khách hàng mới. "Cắt máu là chất bôi trơn quan trọng và hữu hiệu đối với nghề của chúng tôi", An nói.
Nhiều chuyên viên môi giới bất động sản chấp nhận "cắt máu" để có hợp đồng, đủ KPI. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, "cắt máu" bị sử dụng tràn lan và khai thác triệt để nên trở thành kênh cạnh tranh thiếu lành mạnh. Khách hàng cũng có cớ so sánh giữa các chuyên viên môi giới. Dẫn đến môi giới đã khổ lại thêm khổ.
"Bây giờ bảo tất cả chúng tôi ngay lập tức không được dùng đến "cắt máu" e là rất khó vì khách hàng họ đã xem đấy là chuyện hiển nhiên. Nhưng tôi cũng muốn thị trường lành mạnh để anh em không giẫm lên nhau như hiện tại", An tâm sự.
Theo An chia sẻ, hoa hồng của việc bán một dự án sẽ về nhanh hay chậm tùy thuộc vào chủ đầu tư và công ty môi giới nên nhiều khi chuyên viên môi giới "phải bấm bụng ứng trước cho khách hàng để họ vui rồi tính sau".
Ông Phạm Thanh Hưng (hay Shark Hưng), Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị CenLand, cho biết tại buổi ra mắt chương trình Săn nhà triệu đô (VTV3), thị trường bất động sản Việt Nam là một thị trường rất mới, nghề môi giới cũng mới được pháp luật thừa nhận hơn 10 năm nay.
"Nghề môi giới khổ nhất là làm sao để có tiền công của mình. Rất nhiều khách hàng chưa hỏi giá bao nhiêu đã hỏi có "cắt máu'", có trích phần trăm hay không", Shark Hưng nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch CenLand, nếu khách hàng cứ muốn "cắt máu", trích phần trăm lại, thì rất có thể sẽ nhận được một lời tư vấn không thật sự trung thành từ một người môi giới chuyên nghiệp.
"Bởi vì họ không được tôn trọng, không được đánh giá cao về những lời tư vấn trung thực của mình. Họ phải tìm cách "cắt máu" vào chỗ khác để họ kiếm sống. Đó là cái vấn đề của thị trường", ông phân tích.
https://soha.vn/moi-gioi-thua-nhan-cat-mau-cho-khach-shark-hung-noi-mot-cau-dang-suy-ngam-20220406161520472.htm