Môi giới bất động sản: Người bỏ nghề, người mệt mỏi vì nhiều tháng đi đòi tiền “hoa hồng”

Thị trường bất động sản vẫn duy trì nhịp độ trầm lắng, không có giao dịch nên nhiều môi giới đã chuyển sang nghề khác. Bên cạnh đó, có những môi giới dù giao dịch thành công nhưng lại bị nợ tiền “hoa hồng”.

Môi giới chật vật đi đòi tiền “hoa hồng”

Thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, thanh khoản bị sụt giảm, theo đó nhiều môi giới bất động sản trải qua một thời gian dài không có giao dịch thành công. Bên cạnh đó, một số người có giao dịch thành công lại bị nợ tiền hoa hồng.

Anh Nguyễn Giang, môi giới bất động sản tại Bắc Ninh cho biết, từ giữa năm ngoái thị trường đã hạ nhiệt. Theo đó, trong nửa cuối năm anh Giang cũng chỉ có vỏn vẹn 2 giao dịch thành công.

“Thị trường dù khó tìm được khách mua nhưng tôi vẫn xoay sở bằng mọi cách để bán hàng như chạy quảng cáo, liên hệ khách hàng cũ, nhờ người quen giới thiệu,... Do đó, cuối năm tôi cũng có 2 giao dịch thành công. Tuy nhiên, số tiền hoa hồng hơn 100 triệu đồng lại vẫn bị công ty cũ nợ”, anh Giang nói.

Theo người môi giới này, đầu tháng 1 vì có những định hướng riêng nên đã xin nghỉ việc. Công ty cũ cũng hẹn anh sẽ thanh toán sau 2 tuần kể từ ngày nghỉ. Tuy nhiên, đến nay đã quá hạn 2 tháng nhưng anh Giang vẫn chưa nhận được tiền “hoa hồng” từ những giao dịch trước đó.

“Tôi đã nhiều lần liên hệ với giám đốc nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời là công ty khó khăn nên để thêm một thời gian nữa chờ giao dịch ổn định lại. Thực tế, số tiền hoa hồng đó tôi không được bỏ túi tất cả mà trước đó đã phải chi khoảng hơn 30 triệu đồng để quảng cáo và tìm kiếm khách hàng. Bây giờ nếu không đòi được thì tôi vừa mất công sức vừa mất tiền”, anh Giang giãi bày.

Môi giới ồ ạt chuyển việc

Thực tế, trong bối cảnh thị trường trầm lắng, trường hợp bị nợ tiền lương hoặc hoa hồng như anh Giang không hiếm. Bởi, các doanh nghiệp bất động sản hiện nay cũng đã gặp nhiều khó khăn về vấn đề tài chính.

Môi giới bất động sản: Người bỏ nghề, người mệt mỏi vì nhiều tháng đi đòi tiền “hoa hồng” - Ảnh 1.

Thậm chí, trước những diễn biến của thị trường có doanh nghiệp đã mạnh tay cắt giảm nhân sự nhằm giảm chi phí. Cùng đó, một số môi giới do không có giao dịch nên đã chuyển nghề khác. Đơn cử, trường hợp anh Chu Hoàng, môi giới bất động sản tại vùng ven Hà Nội cho biết, trải qua 4 tháng không có giao dịch thành công, sau Tết Nguyên đán anh đã nghỉ việc và cùng vợ mở rộng kinh doanh online.

“Vợ tôi đã bán hàng online từ lâu nhưng chỉ mở nhỏ. Tạm thời có tôi làm cùng nên cũng mở rộng hơn trước. Trước mắt phải lo được cuộc sống, khi nào thị trường tốt trở lại thì tôi tính sau”, người này nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, lượng môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30 - 40% so với giai đoạn đầu năm 2022.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, phần lớn môi giới nghỉ việc ở thời điểm này là những người trẻ, tay ngang vào nghề, chạy theo đám đông, không có tích lũy tài chính. Còn những môi giới lâu năm trong nghề và có tích lũy tài chính thì vẫn có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, chờ thị trường phục hồi để quay trở lại.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, doanh nghiệp phát triển bất động sản đang trong tình trạng khó khăn nhiều mặt. Không ít doanh nghiệp đã phải dừng, hoãn nhiều dự án đang triển khai, thậm chí sa thải bớt nhân viên.

"Chúng tôi mới thống kê ở các đơn vị môi giới, sàn giao dịch bất động sản trong phạm vi một phân khúc, khoảng hơn 100.000 nhân viên môi giới đã phải nghỉ hoặc chuyển sang công việc khác", ông Đính cho biết.

Ông Đính khuyên, những người làm môi giới bất động sản còn muốn gắn bó với nghề nên chuyển sang bán những phân khúc khác có thanh khoản tốt hơn như sản phẩm phục vụ nhu cầu thực ở khu vực đông dân cư. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại thì không nên quá kỳ vọng vào thanh khoản của thị trường.