Môi giới bất động sản nằm không, thị trường “đóng băng”

Quý 1 là thời điểm trầm lắng của bất động sản, năm nay cộng thêm dịch Covid-19, thị trường không có giao dịch, các môi giới bất động sản thất nghiệp.

Nghỉ Tết kỷ lục của môi giới bất động sản

Từ các sàn giao dịch bất động sản lớn, đến các môi giới bất động sản tự do đang chịu tác động “kép” đó là sự trầm lắng của thị trường bất động sản sau Tết và ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Anh Trần Hải Hoà, một môi giới bất động sản tự do cho biết, thông thường tháng Giêng hàng năm các chủ đầu tư dự án bất động sản sẽ ít ra hàng, mở bán vì đây là thời điểm nhu cầu mua nhà xuống thấp nhất trong năm. Các sàn giao dịch, môi giới bất động sản thời điểm này chỉ chăm sóc các khách hàng thân thiết, may ra có một số sản phẩm đã mở bán từ trước Tết được bán tiếp.

“Năm nay khác hẳn, các môi giới bất động sản hay đùa với nhau là năm nghỉ Tết kỷ lục, dịch bệnh nên hết quý 1 rồi chủ đầu tư cũng không đưa hàng ra thị trường và người mua cũng không có. Môi giới tự do thì chỉ chờ vào việc có hàng mới có thu nhập, từ Tết tới nay tôi không có thu nhập, cứ sống lay lắt thôi” - anh Hoà nói.

Môi giới bất động sản nằm không, thị trường “đóng băng” - Ảnh 1.

Mặt bằng kinh doanh ở Hà Nội vắng khách thuê.


Khó khăn không chỉ cho môi giới bất động sản tự do, các sàn bất động sản lớn cũng đang “lao đao”. Dịch Covid-19 ảnh hưởng cực kì lớn đến giao dịch, khách hàng hẹn rồi lại huỷ không đi xem dự án, hẹn gặp tư vấn lại càng khó. Không ít sàn do không có khách không có hàng nên môi giới đã nghỉ việc gần hết, mức lương của môi giới còn cầm cự được với các sàn cũng chỉ còn khoảng 1/3.Không có việc những tháng qua, nhiều môi giới đã chuyển sang nghề khác, phổ biến nhất là đi bán hàng cho những hãng sản xuất hàng tiêu dùng, bán siêu thị và cả chạy Grab.

Thị trường “đóng băng”

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, quý 1 năm 2020, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến thị trường bất động sản hầu như “đóng băng”, số nhân sự môi giới bất động sản phải bỏ nghề không hề ít.

“Cả nước có khoảng 1.000 sàn giao dịch bất động sản nay đã có 50-60% sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa. Số còn lại cắt giảm lao động hoạt động cầm chừng. Số ít sàn có hàng bán do các hợp đồng ký trước thì nay không thể mời được khách đến xem cũng chỉ để đấy” - ông Đính cho hay.

Môi giới bất động sản nằm không, thị trường “đóng băng” - Ảnh 2.

Nhiều dự án bất động sản bị đình đốn.


Theo ông Đính, giới bất động sản giờ chỉ mong dịch bệnh qua mau, sản phẩm bất động sản khá đặc biệt, người mua không thể xem online hay giới thiệu qua hình ảnh, họ phải đến trực tiếp. Sự phức tạp của dịch bệnh khiến việc giới thiệu sản phẩm của các sàn cũng là điều không thể, trong thời điểm nếu được giới thiệu cũng không có khách hàng.

Thống kê Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tổng sản phẩm nhà ở chào bán trên cả nước trong quý 1 năm 2020 (gồm cả hàng tồn kho và mới mở bán) đạt 53.236 sản phẩm, có 7.641 giao dịch (tỷ lệ hấp thụ: 14,3%). Lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng là chịu ảnh hưởng lớn nhất trong các phân khúc bất động sản do đại dịch Covid-19. Trong quý 1 năm 2020, các dự án du lịch, nghỉ dưỡng đưa sản phẩm mới chào bán ra thị trường rất hiếm, có một số ít các giao dịch đến từ các dự án đã chào bán từ trước Tết. Lượng khách hàng của phân khúc này cũng gần như không có.

Đối với kinh doanh dịch vụ lưu trú, văn phòng cho thuê tổn thất rất nặng nề và đang cực kỳ khó khăn. Những khó khăn này kéo dài, ở trên diện rộng. Hiện tại chủ đầu tư cho thuê đã giảm giá nhưng không cứu vãn được khi hoạt động kinh doanh đình đốn, khách du lịch không có. Thị trường bất động sản đang bước vào chu kỳ suy thoái./.