Mặt bằng cho thuê “khóc ròng”

Mặc dù có những dự báo về sự phục hồi của phân khúc cho thuê nếu dịch được kiểm soát, tuy nhiên không thể phủ nhận loại hình này đang “thê thảm” xếp thứ 2 sau BĐS nghỉ dưỡng. Nhiều chủ mặt bằng méo mặt vì dịch Covid-19.

"8 tháng nay kể từ khi khách cũ trả mặt bằng vẫn chưa có khách mới thuê em ơi!, trước đó chị đã giảm 15% rồi, nếu đợt này có người thuê có khi phải giảm nữa à em…", giãi bày của một chủ mặt bằng cho thuê tại Q.Phú Nhuận, Tp.HCM.

"Bây giờ tụi anh chỉ mong dịch nhanh qua còn mở cửa hàng, bán mang đi không hiệu quả mấy em, có khi không đủ tiền trả tiền thuê mặt bằng, nếu cứ kéo dài này chắc chủ nhà cũng lấy lại mặt bằng rao bán chứ có khi không cho thuê nữa….", ông chủ quán phở trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM "than thở".

Có lẽ chưa thời điểm nào mặt bằng nhà phố trên các tuyến đường sầm uất của Tp.HCM "vắng tanh" như thời điểm này. Cùng với đó, các khu trung tâm thương mại, shophouse (căn hộ thương mại) trong các khu đô thị cũng ế ẩm không kém. Tỉ lệ bỏ trống ngày càng nhiều. Lý do chung là kinh doanh ế ẩm, thu không đủ bù chi, không trả nổi giá thuê nhà chót vót. Và giải pháp cuối cùng là trả mặt bằng, thậm chí chấp nhận bị phạt hợp đồng.

Người thuê "méo mặt" vì kinh doanh ế ẩm thì chủ mặt bằng "khóc ròng" vì không tìm được khách thuê. Thậm chí giảm giá sâu vẫn khó giữ chân khách hoặc không tìm được khách thế vào.

Rõ ràng, ngoài BĐS nghỉ dưỡng, phân khúc cho thuê là phân khúc đã, đang và dự báo là sẽ  sẽ gặp nhiều thách thức trong thời gian tới. Nhu cầu mặt bằng giảm mạnh do giảm tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp mới, một số doanh nghiệp cũ thì ngừng hoạt động, phá sản, hoặc thu hẹp quy mô kinh doanh,…

Mặt bằng cho thuê “khóc ròng” - Ảnh 1.

Một số chuyên gia cho rằng, đây cũng chỉ là vấn đề trong ngắn hạn và thị trường sẽ có tín hiệu phục hồi lạc quan ngay sau khi dịch bệnh kiểm soát. Tuy nhiên, trước mắt thì phân khúc này đang chịu trận càn quét mạnh mẽ của dịch Covid-19 khiến các bên "khóc dở, mếu dở".

Theo các chuyên gia, đại dịch đã tác động mạnh mẽ đến thị trường nhà phố mặt tiền cho thuê theo hướng tiêu cực nhất trong vòng một thập kỷ qua. Kể từ dịch bệnh bùng phát năm 2020 đến nay, giá thuê nhà phố trên các tuyến đường lớn tại Tp.HCM trải qua nhiều giai đoạn điều chỉnh mạnh.

Cụ thể, giai đoạn đầu tiên diễn ra từ quý 1 đến đầu quý 2/2020, khi cả nước giãn cách xã hội, việc kinh doanh tại các hàng quán là nhà mặt phố đồng loạt điều chỉnh giá 10-20% so với năm 2019, mức giảm cao nhất thời điểm này là 25%.

Đến khi đợt dịch thứ hai bùng phát trong năm 2020, giá thuê nhà phố mặt tiền tiếp tục lao dốc, đợt này điều chỉnh xuống 25-35%, cá biệt có một số mặt bằng đã treo biển giảm giá thuê đến 40% và tình trạng này kéo dài đến cuối năm.

Và đợt dịch bùng phát lần ba vào đầu năm 2021 đã đẩy giá thuê nhà phố mặt tiền vào giai đoạn rẻ chưa từng có. Giai đoạn này, mức giảm phổ biến 30-40% với nhiều gói thuê chia nhỏ diện tích hoặc chia theo sàn để dễ tiếp cận khách thuê hơn. Thậm chí có không ít căn nhà phố mặt tiền đã hạ nhiệt giá thuê đến 50% so với năm 2019 đối với khách bao trọn nguyên căn.

Giới chuyên giá dự báo, thế khó của nhà phố mặt tiền cho thuê có thể còn tiếp tục kéo dài đến hết năm 2021 và đầu năm 2022.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills Tp.HCM cho biết, thị trường đang chuyển sang hướng khách thuê dẫn dắt thị trường, trong khi, chủ nhà đang giảm dần sự lạc quan và đã bắt đầu tiếp nhận việc thương lượng để có thể cho thuê mặt bằng. Giá thuê tiếp tục lao dốc.

 Khảo sát của Savills gần đây cho thấy, để giữ chân khách thuê hiện tại, chủ nhà phải giảm giá thuê, trong khi với các mặt bằng đang chào thuê, chủ nhà phải đối mặt với yêu cầu giảm từ 20% đến 40% giá chào thuê hiện tại. Thời hạn hợp đồng vẫn duy trì ở mức 3 đến 5 năm, tuy nhiên, khách thuê đề xuất không tăng giá thuê trong suốt thời hạn thuê mặt bằng. Bên cạnh đó, một số chủ nhà cho biết, nếu đợt giãn cách quá dài và mức giảm tiền thuê không được thống nhất bởi hai bên, chủ nhà phố cũng đã nghĩ đến giải pháp tìm kiếm khách thuê mới và ưu tiên cho khách thuê văn phòng, trụ sở công ty vì nhóm khách này ít bị ảnh hưởng hơn so với ngành bán lẻ.